Kỷ niệm 56 năm Ngày "Vì nạn nhân chất độcda cam" (10.8.1961 – 10.8.2017)
Hãy thực sự quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam/điôxin
BHG- Khi bàn giao nhiệm vụ cho Chủ tịch mới của Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tỉnh, tôi có nói nhiều lý do; trong đo, có lý do không hoàn thành nhiệm vụ giải quyết chế độ cho các đối tượng nên xin nghỉ làm công tác Hội, song tôi vẫn còn có trách nhiệm đối với các nạn nhân CĐDC vì họ là người có công với cách mạng.
Nghỉ đã được một năm, tôi vẫn dõi theo việc giải quyết chế độ cho các nạn nhân CĐDC. Được biết Bộ LĐTB&XH và một số địa phương đang bức xúc, việc có hàng ngàn người làm hồ sơ giả để hưởng chế độ, làm cho Bộ lúng túng trong việc tháo gỡ vướng mắc cho người có công mất giấy tờ chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Người mất giấy tờ có là người có công với cách mạng không? Họ là người thực tế đã từng “vào sống, ra chết” trong chiến trường từ những năm 1960 đến 30.4.1975; không ai bảo là không có công, nhưng không có giấy tờ thì căn cứ vào đâu để công nhận họ là người có công. Nếu đã có lúc ta hướng dẫn lấy xác nhận của đơn vị và người cùng đơn vị dẫn đến hồ sơ giả, chỉ vì nể nang mà xác nhận; để tránh nể nhau và không làm giả được, sao không lấy xác nhận của tập thể của người cùng lứa tuổi, đó là lấy dân làm gốc. Mọi hồ sơ đều được thông qua và do tập thể người cao tuổi ở nơi cư trú và lúc đi bộ đội cho ý kiến, xác nhận thì không thể có hồ sơ giả lại được cả ba nội dung cơ bản của chế độ CĐDC là: Có thực tế đi chiến trường, tình trạng sức khỏe bệnh tật của cựu chiến binh và thực tế con cái thế nào (con, cháu). Ý kiến tập thể của người cùng lứa tuổi thậm chí cao hơn thì làm sao có hồ sơ giả được để giải quyết sai đối tượng.
Rõ ràng, hàng nghìn đối tượng làm giả hồ sơ để hưởng chế độ đã làm hại cho hàng triệu cựu chiến binh nhiễm CĐDC đúng và đáng được hưởng mà không được hưởng. Ngoài ra có một đối tượng là người chăm sóc, phục vụ chồng hoặc con bị nhiễm CĐDC nằm một chỗ chưa được hưởng chế độ, tuy đối tượng này không lớn, nhưng họ cần được hưởng chế độ như người phục vụ thương binh nặng và người làm công tác Hội ở cơ sở xã, phường đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ phụ cấp theo Quyết định 30 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Họ là người gần nạn nhân, lo chăm sóc nạn nhân gặp khó khăn, mà hơn 5 năm rồi không có phụ cấp thì cấp ủy, chính quyền không thể đòi hỏi hiệu quả công tác của họ.Đó là những vướng mắc làm cho các đối tượng không được hưởng chế độ của Nhà nước đã ban hành. Thiết nghĩ các cấp, các ngành có thẩm quyền hãy thật sự quan tâm đến các nạn nhân CĐDC và sớm có biện pháp giải quyết, không nên chờ đến khi các đối tượng đó không còn nữa mới giải quyết, như thế thì tội lắm.
Triệu Đức Thanh (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh)
Ý kiến bạn đọc