Học văn hóa gắn học nghề tại chỗ giúp học viên tự tin lập nghiệp
BHG - Hướng liên kết mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn gắn học văn hóa cho con em đồng bào dân tộc là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã và đang được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục Thường xuyên (GDTX) huyện Đồng Văn thực hiện, đem lại những tín hiệu vui. Nhiều học viên là ĐVTN với tuổi đời còn rất trẻ vừa tốt nghiệp bậc THCS, THPT đã có nghề trong tay, tạo dựng được việc làm ổn định, nâng cao mức thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Năng Khải, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Văn chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu học văn hóa gắn với hướng nghiệp, học nghề của con em trên địa bàn, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước đến người dân. Trên cơ sở quan điểm, chỉ đạo của huyện là đào tạo, hướng nghiệp nghề phải sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương, Trung tâm đã chủ động lên kế hoạch, bố trí cán bộ giáo viên trực tiếp tham gia phụ trách công tác dạy nghề ở các xã, thị trấn theo nhu cầu đào tạo từng ngành nghề. Phần lớn học viên tham gia các lớp học nghề là người dân tộc thiểu số, do vậy để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm tiền, thời gian cho học viên, Trung tâm có kế hoạch mở các lớp dạy nghề ngay tại xã, thôn. Ngoài số cán bộ giáo viên trong biên chế, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đồng Văn chủ động phối hợp, trực tiếp mời các giáo viên thuộc các Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật, Cao đẳng Nghề của tỉnh lên giảng dạy ở một số môn, lĩnh vực khó mà Trung tâm chưa đáp ứng tốt. Nhiều học viên sau khi tham gia các lớp học văn hóa gắn với học nghề trở về địa phương đã tìm được việc làm, biết áp dụng các kiến thức được học vào trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; một số học viên có vốn họ tự mở các dịch vụ sửa chữa xe máy, điện tử, tham gia thành lập HTX dịch vụ tổng hợp, qua đó góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, XĐGN.
Để tìm hiểu rõ hơn hiệu quả trong công tác đào tạo, hướng nghiệp nghề trên địa bàn, chúng tôi đến xã Sủng Trái. Quá 12 giờ trưa mà cửa hàng sửa chữa xe máy của Cháng Văn Hùng, tại ngã ba xã Sủng Trái vẫn như giờ cao điểm, 3 thợ sửa chữa đang miệt mài bên những linh kiện, phụ tùng xe máy. Cửa hàng khá đông khách, người mua xăng lẻ, người mua hàng tạp hóa vẫn tấp nập. Vừa sửa xe máy, Hùng vừa tâm sự: Sau khi học xong lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm, mấy anh em cùng nhau mở cửa hàng sửa xe ngay tại ngã ba này, tuy nghề hơi vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng khá, khách hàng chủ yếu là đồng bào trong xã và các xã lân cận, nhiều lúc làm không hết việc. Những giọt mồ hôi túa ra ướt đẫm chiếc áo xanh, lấm lem dầu mỡ, nhưng trong ánh mắt Hùng và những người thợ sửa chữa xe vẫn ánh lên niềm vui.
Theo thống kê, trong 3 năm qua, Trung tâm GDNN - GDTX huyện phối hợp với xã Sủng Trái tổ chức đào tạo, mở lớp học nghề ngắn hạn cho trên 100 học viên. Hầu hết các học viên sau khi được đào tạo đã có việc làm khá ổn định. Học viên tham gia lớp đào tạo nghề xây dựng đã thể tự tổ chức xây dựng các hạng mục cơ bản như xây nhà, kè đường, xây cầu cống; một số ít thanh niên sau khi được hỗ trợ về vốn đã thành lập Tổ xây dựng nông thôn, những người cùng sở thích thu hút nhiều lao động nhàn rỗi trong xã có việc làm, tiêu biểu như tổ xây dựng của Vương Sủng Lình, Hoàng Văn Sùng; các học viên lớp sửa chữa xe máy đã mở được nhiều cửa hàng sửa chữa xe máy tại trung tâm xã hoặc ven Quốc lộ 4C.
Việc hướng nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn gắn với học văn hóa cho ĐVTN đồng bào dân tộc là 1 trong 2 hướng giúp các xã nghèo từng bước thực hiện thành công các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Trong thời gian tới, Trung tâm GDNN - GDTD huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện có chính sách liên kết đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ trong các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng, trồng trọt; đồng thời hỗ trợ học viên khi ra trường phát huy những kiến thức đã được học để vững tin trên con đường lập thân, lập nghiệp.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc