Chuẩn hóa công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em
BHG - Với nội dung cô đọng, xúc tích, cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (TDSKBM&TE) không chỉ là phương thức hướng đến mục tiêu chuẩn hóa công cụ TDSKBM&TE trên địa bàn tỉnh mà còn là cuốn sổ hữu ích cho mẹ bầu trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) của con từ quá trình thai kỳ đến khi con tròn 6 tuổi.
Năm 2010, được sự viện trợ tài chính của Quỹ Toyota Nhật Bản và sự hỗ trợ kỹ thuật của bà Akemiba Ando (trường Đại học Osaka – Nhật Bản), UBND tỉnh đã triển khai thực hiện cuốn Sổ TDSKBM&TE thí điểm trên địa bàn tỉnh. Từ đây, đơn vị hữu quan tiến hành tổ chức tập huấn cho cán bộ hộ sinh, y, bác sỹ trực tiếp làm công tác CSSK bà mẹ, trẻ em; hướng dẫn nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản phương pháp truyền thông cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con nhỏ về lợi ích của Sổ TDSKBM&TE. Qua công tác giám sát của cơ quan chuyên môn cho thấy: Hầu hết các trạm y tế đều nắm bắt chính xác chỉ số về sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi một cách đầy đủ, chính xác. Các cuộc điều tra lập danh sách trẻ em trong chiến dịch tiêm chủng, tẩy giun, uống vitamin A diễn ra thuận lợi và đầy đủ. Hơn nữa, trạm y tế tuyến xã kịp thời nắm bắt thông tin những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao xảy ra biến chứng thai kỳ để xử trí tích cực. Do vậy, trong những năm qua, trên địa bàn các xã không xảy ra tai biến sản khoa; tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh từng bước được cải thiện...
Cán bộ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản giới thiệu cuốn Sổ TDSKBM&TE cho các bà mẹ. |
Phát huy những giá trị hữu ích từ cuốn sổ này, cuối năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai Sổ TDSKBM&TE trong khuôn khổ “Dự án phát triển nông thôn dựa vào kết quả” từ cuối năm 2016 đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trên cơ sở này, Sở Y tế Hà Giang đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai Kế hoạch hành động của UBND tỉnh đến 11 huyện, thành phố. Từ tháng 4.2017 đến nay, Trung tâm CSSK sinh sản (Sở Y tế Hà Giang) đã phát 17.500 cuốn sổ cho phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh. Sự hữu ích của cuốn sổ được thể hiện thông qua việc ghi chép đầy đủ thông tin theo bố cục 5 phần của cuốn sổ, gồm: Thông tin cơ bản (dành cho gia đình ghi chép một số nội dung về gia đình, về trẻ và thông tin về mẹ); phần chăm sóc thai nghén (dành cho cán bộ y tế ghi chép về những lần khám thai của mẹ cùng kết luận, tư vấn, hướng dẫn của cán bộ y tế); phần chăm sóc trong sinh, ngay sau sinh của mẹ và con (bắt đầu từ lúc sinh đến sau sinh 6 tuần); phần CSSK trẻ em (giúp theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà và tại cơ sở y tế từ khi trẻ 7 tuần đến 6 tuổi cùng các thông tin quan trọng về lịch tiêm chủng, biểu đồ chiều cao, cân nặng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi) và phần thông tin dành cho mẹ, gia đình trong việc chăm sóc thai nghén (khám thai, tiêm phòng uốn ván, dinh dưỡng trong thời gian mang thai, dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai,...), chăm sóc và xử trí một số bệnh thường gặp ở trẻ.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc triển khai Sổ TDSKBM&TE đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực. Bởi, cuốn sổ giúp phụ nữ thời kỳ mang thai đến khi sinh và sau sinh được chăm sóc liên tục, có hệ thống tại các cơ sở CSSK bà mẹ, trẻ em của địa phương. Hơn nữa, còn giúp theo dõi liên tục tình trạng phát triển của trẻ nhỏ, kịp thời có can thiệp dự phòng cần thiết. Đồng thời, giảm bớt thủ tục cho cán bộ y tế cơ sở khi có thể bỏ được một số giấy tờ trùng lặp như: Phiếu theo dõi thai, phiếu khám thai, phiếu tiêm chủng, biểu đồ tăng trưởng,... và giúp ích cho cơ quan chuyên môn trong việc thống kê báo cáo một cách chính xác, đầy đủ thông tin.
Thực tiễn cho thấy, Sổ TDSKBM&TE là một công cụ TDSKBM&TE mới. Các thông tin phải được cập nhật ngay từ lúc mẹ mang thai đến khi trẻ 6 tuổi. Đặc biệt, trong cuốn sổ có phần dành cho gia đình ghi chép, cập nhật. Và đây cũng là khó khăn đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi trong gia đình phải có người biết đọc, viết để ghi chép kịp thời thông tin vào sổ. Song, với sự phân chia thông tin theo các ô màu trắng và vàng trong sổ có thể hỗ trợ người không biết chữ xử trí vấn đề. Vì khi cán bộ y tế đánh dấu vào ô màu trắng, nghĩa là sức khỏe của mẹ và bé bình thường; khi thông tin xuất hiện ở ô màu vàng, có thể sức khỏe mẹ và/hoặc trẻ có vấn đề. Trong trường hợp này, thông qua hướng dẫn sử dụng sổ của cán bộ y tế, mẹ dễ dàng nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ hoặc bé nhằm chủ động đến cơ sở y tế để được CSSK trong thời gian sớm nhất – Giám đốc Trung tâm CSSK sinh sản, Bế Văn Phù chia sẻ.
Có thể khẳng định, cuốn Sổ TDSKBM&TE thực sự hữu ích trong việc TDSKBM&TE. Đặc biệt hơn, khi con khôn lớn, đọc những dòng thông tin trong cuốn sổ này, con sẽ hiểu, con được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của mọi người như thế nào. Đồng thời, cuốn sổ cũng là thông điệp nhắn gửi đến con, rằng: Ai cũng mong con khỏe mạnh, thông minh để góp sức xây dựng quê hương, đất nước – chị Hoàng Thị Hành, xã Ngọc Đường (TP. Hà Giang) bày tỏ sự hài lòng.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc