Mèo Vạc thực hiện nhiều giải pháp hạn chế lao động "chui"

06:34, 05/07/2017

BHG- Mèo Vạc là huyện duy nhất của Hà Giang tiếp giáp hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới kéo dài. Đặc thù đó giúp Mèo Vạc có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biên mậu. Tuy nhiên, tình trạng người dân sang Trung Quốc lao động tự do diễn ra ngày càng phức tạp, đặt ra cho địa phương nhiều thách thức trong công tác quản lý. Để hạn chế tình trạng lao động “chui”, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Những năm trước, tình trạng người dân Mèo Vạc sang Trung Quốc lao động trái phép diễn biến khá phức tạp. Do địa hình hiểm trở, nhiều đường tiểu ngạch; lợi dụng việc thăm thân để đi lao động “chui” khiến cho công tác quản lý lao động gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu, không ít người trong quá trình lao động bị đối xử bất công, bị bóc lột sức lao động, không được trả tiền công, thậm chí bị đánh đập nhưng không được bảo vệ do không có hợp đồng lao động. Theo chia sẻ của những người trực tiếp đi lao động “chui” sau khi trở về cho biết: Đa số người dân đi làm thuê cho các chủ người Trung Quốc, công việc chủ yếu là trồng rừng, phụ hồ, trồng cây lương thực... Mỗi ngày đều phải làm từ sớm và nghỉ vào tối muộn, tùy theo công việc mà độ vất vả khác nhau; bỏ công sức cả ngày được trả công từ 70 – 100 nhân dân tệ (250 – 300 nghìn đồng). Người dân thường đi lao động vào những thời điểm nông nhàn hoặc giáp hạt để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đặc biệt, có những gia đình đông con, nhà nghèo, thiếu hiểu biết nên khi được người khác rủ rê sẽ rất dễ đi lao động “chui”. Những người đi lao động thường là thanh niên hoặc đã có gia đình nhưng tuổi đời còn trẻ và tình trạng lao động “chui” diễn ra khá phổ biến khi hầu hết các xã đều có người đi lao động trái phép bên Trung Quốc. Nhìn vào con số thống kê của Phòng LĐTB&XH huyện Mèo Vạc, trong khoảng 4 năm, từ năm 2009 – 2013, toàn huyện Mèo Vạc có gần 7.800 lượt người sang Trung Quốc làm thuê. Số người đi lao động “chui” tăng theo từng năm, nếu như năm 2011 chỉ có trên 800 lượt người thì năm 2013 đã có trên 2.700 lượt người. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình trạng này đã được hạn chế do có sự quan tâm đầu tư về hệ thống đường giao thông nông thôn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, phát triển các mô hình kinh tế giúp bà con nhân dân nâng cao thu nhập cho bà con.

Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Để hạn chế tối đa tình trạng người dân tự ý đi lao động tự do qua biên giới, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới. Đặc biệt, tổ chức nhiều cuộc hội đàm với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất một số quy định cùng hợp tác quản lý lao động hai bên biên giới”. Theo đó, bên cạnh việc thắt chặt kiểm tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở, các chốt chặn tại cửa khẩu, cấp giấy thông hành lưu động, tăng cường quan hệ ngoại giao cùng với việc thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đã giúp hạn chế đáng kể tình trạng người dân đi lao động “chui”; số người lao động sử dụng giấy thông hành đã tăng lên. Mặt khác, Mèo Vạc đã quan tâm đến đào tạo nghề, ký kết hợp tác với một số tỉnh bạn có các khu công nghiệp đang cần lực lượng lớn lao động. Do đó, đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mới đây, huyện đã tổ chức hai đợt bàn giao trên 100 lao động sang làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện Phú Ninh. Đây được xem là cách làm mới, hiệu quả, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, qua lại biên giới hợp pháp, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Điểm nổi bật của thỏa thuận hợp tác này đó là người lao động có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập ổn định, cao hơn so với việc làm nương hiện nay và được đảm bảo quyền lợi.

Với những giải pháp kịp thời trong công tác quản lý lao động đã giúp Mèo Vạc giảm tình trạng người dân lao động “chui”. Mặc dù vậy, để giải quyết triệt để tình trạng người dân đi lao động trái phép vẫn cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành. Thiết nghĩ, cùng với việc chú trọng dạy nghề, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương sẽ là một trong những điểm mấu chốt để giảm thiểu tình trạng lao động “chui”. Qua đó, giúp địa phương thực hiện thắng lợi công cuộc XĐGN và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao người dân thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) thiếu nước sinh hoạt?

BHG- Nói đến huyện Bắc Mê chắc không ai nghĩ, người dân sống bên cạnh dòng sông Gâm lại có thể thiếu nước sinh hoạt được? Tuy nhiên thực tế hiện nay, hàng trăm hộ dân sinh sống nơi đây lại đang gặp phải nghịch lý này. 

29/06/2017
Hội chữ thập đỏ thành phố: Tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện

BHG- Sáng 28.6, tại Trung tâm hành chính công thành phố Hà Giang, Hội chữ thập đỏ thành phố đã tổ chức chương trình ngày hội "Giọt hồng trao hy vọng". 

28/06/2017
Hội thảo giữa người bệnh, người nhà người bệnh với lãnh đạo Bệnh viện

BHG- Chiều 23.6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) tổ chức Hội thảo giữa người bệnh, người nhà người bệnh với lãnh đạo Bệnh viện. Dự có lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế); Ban Giám đốc, cán bộ CCVC Bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh đang điều trị nội trú và ngoại trú tại Bệnh viện.

27/06/2017
Phát huy sức trẻ xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

BHG- Phát huy truyền thống xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiệm kỳ 2012 – 2017 vừa qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hoàng Su Phì đã và đang tập trung xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, đạt được nhiều thành quả nổi bật; đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng Nông thôn mới và đảm bảo QP-AN.

27/06/2017