"Kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm"
BHG - Đó là khẳng định của lãnh đạo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh trong cuộc trao đổi với phóng viên về công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.480 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó phần lớn là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, thức ăn đường phố, kinh doanh tổng hợp... nên thực phẩm thường được mua không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Để kiểm soát tình hình vệ sinh ATTP trên địa bàn, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, đem lại môi trường kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra Chi cục An toàn VSTP tỉnh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Giang. |
Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội. Triển khai thực hiện, các cấp, các ngành đã thành lập 419 đoàn thanh, kiểm tra tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm trên địa bàn; tiến hành kiểm tra 4.292 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả kiểm tra có trên 3.445 cơ sở đạt yêu cầu; 788 cơ sở không đạt yêu cầu; 788 cơ sở bị cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục; 59 cơ sở bị xử phạt với số tiền trên 90 triệu đồng; 107 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.
Hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều người đã không quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng mà ngang nhiên chế biến, mua bán các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh để bán ra thị trường, khi mà việc buôn bán, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn, người tiêu dùng khó phát hiện để lựa chọn các mặt hàng an toàn thì sự vào cuộc của cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên là giải pháp “cứu cánh” cho bữa ăn an toàn của các gia đình. Bà Nguyễn Thị Nhân, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra thường xuyên sẽ ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Chúng tôi tin tưởng các cơ quan chức năng không bỏ mặc người tiêu dùng trước sự nhiễu loạn thị trường của thực phẩm bẩn hiện nay”.
Tuy công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được triển khai thường xuyên, nhiều vụ vi phạm vệ sinh ATTP đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi còn chưa kiên quyết, chưa đủ sức răn đe; tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục; ngành Y tế chưa có chế tài xử phạt mà phải điều chuyển sang Đội quản lý thị trường ở địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung vào điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người, chưa quan tâm đến việc hậu kiểm; tuyến xã chưa có cán bộ chuyên trách về VSATTP... gây khó khăn trong công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Như Chưởng, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn VSTP tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định về vệ sinh ATTP; các lỗi vi phạm chủ yếu là: Giấy khám sức khỏe hết hạn, chưa có chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP; dụng cụ chứa thực phẩm không đảm bảo... Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh ATTP; nâng cao năng lực tổ chức kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện VSATTP trong sản xuất, kinh doanh”.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc