Đuối nước - nỗi lo ngày Hè
BHG - Kỳ nghỉ Hè đã thực sự bắt đầu với sự háo hức, mong đợi của các em thiếu nhi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, nhất là tình trạng đuối nước với các em. Để con trẻ có một mùa Hè an toàn, bổ ích; rất cần sự quan tâm hơn nữa của gia đình, sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra.
Tình trang trẻ bị đuối nước là một nỗi lo của rất lớn của các bậc phụ huynh mỗi khi mùa Hè đến. Vào đầu tháng 5.2017, tại xã Nà Chì, huyện Xín Mần; cháu Hoàng Thanh Bình 11 tuổi khi cùng các bạn tắm thác không may bị đuối nước, rất may được phát hiện và kịp thời cứu sống. Thương tâm hơn, vào ngày 4.6, tại thác số 6, xã Phương Độ (TP. Hà Giang) em Giàng Mí Kỉa, sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang cùng các bạn đi tắm tại đây. Do không biết bơi, em không may bị đuối nước dẫn đến tử vong. Từ hai trường hợp này và nhiều vụ việc trên cả nước xảy ra khi mới chớm Hè chính là hồi chuông cảnh tỉnh đến mỗi gia đình, nhà trường; các cấp, các ngành và trách nhiệm của toàn xã trong việc phòng, tránh nguy cơ đuối nước cho trẻ em.
Trẻ em tại các thôn, xã vùng sâu, vùng xa thường xuyên chơi đùa, tắm tại các sông, suối trong những ngày Hè nắng nóng. Trong ảnh: Trẻ em chơi đùa ngay tại con suối thôn Phia Rịa, xã Du Tiến (Yên Minh). |
Thực tế cho thấy, đuối nước là nguyên nhân gây ra tử vong nhiều nhất đối với trẻ em. Do độ tuổi của các em rất hiếu động, thích khám phá; ngay cả khi có những nhận thức rõ ràng như trường hợp của em Kỉa cũng vẫn có thể xảy ra tai nạn. Tỉnh ta với đặc thù có hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc, những thác nước trở thành những điểm tắm tự phát và là địa điểm có sức hút lớn đối với các em. Do độ tuổi còn nhỏ, các em chưa nhận thức được những nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi đa phần các em đều không biết bơi, số ít có biết bơi thì lại thiếu kỹ năng thoát hiểm. Để giải quyết vấn đề này, nhiều phụ huynh tại một số trung tâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã cho con em theo học các lớp bơi để phòng, tránh đuối nước. Đây là việc làm rất cần thiết, hiệu quả để giảm tình trạng tai nạn thương tích cho trẻ.
Song, đối với địa bàn các thôn, xã ở vùng sâu, vùng xa; việc mở các lớp dạy bơi với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có đầy đủ trang thiết bị là bất khả thi. Do những hạn hẹp về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế và các em ở rải rác trên địa bàn rộng nên khó tập hợp. Dịp Hè là lúc các em học sinh ngừng các hoạt động sinh hoạt bán trú tại nhà trường để về với gia đình. Đáng nói, tại các địa bàn này thường thiếu sân chơi, cộng với cha mẹ còn xem nhẹ mối nguy hiểm của sông nước; nên việc các em tắm sông, ao, hồ mà không có sự giám sát của cha mẹ không phải là chuyện hiếm.
Theo đồng chí Lý A Tỏn, Bí thư Huyện đoàn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện Yên Minh, cho biết: Vào dịp Hè, Huyện đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho các em thiếu nhi. Nhà Thiếu nhi mở các lớp năng khiếu miễn phí, như: Lớp võ, đá bóng, thanh nhạc... Tuy nhiên, số lượng các cháu tham gia không nhiều, chủ yếu là trên địa bàn thị trấn. Các lớp học về phòng, tránh đuối nước chưa thực hiện được do không có cơ sở vật chất nên mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền và chỉ đạo các Chi đoàn cơ sở nhắc nhở, phối hợp quản lý trẻ em trên địa bàn.
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong đẩy mạnh tuyên truyền và cần có những giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hơn cả, gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Các bậc cha mẹ là những người gắn bó, chia sẻ, cảnh báo cho con em mình những mối nguy hiểm, để các cháu thật sự hiểu và lựa chọn tham gia những hoạt động an toàn, bổ ích.
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc