Đồng Văn phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
BHG - Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đồng Văn đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Đồng Văn là huyện có dân số chủ yếu là người DTTS, chính vì vậy để tạo nên sự cân bằng cũng như để đi sâu, gần gũi hơn với người dân, cán bộ DTTS chính là mắt xích vô cùng quan trọng. Huyện luôn thực hiện theo đúng với những kế hoạch, chính sách của tỉnh đề ra về xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ như: Cử hàng trăm con em, cán bộ người DTTS tham gia các lớp hệ cử tuyển, các lớp chính trị để tạo nguồn và nâng cao chất lượng cán bộ DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng mạnh dạn đề đạt các cán bộ DTTS có trình độ vào nắm giữ các chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp. Hiện nay, trên toàn huyện có 1.631 cán bộ, công chức là người DTTS trong đó, cán bộ người dân tộc Tày là 681 người, chiếm 29,6%, người Mông là 488 cán bộ chiếm 21,2%; còn lại là các dân tộc khác như Dao, Nùng, được phân bổ khá đều tại các xã, thị trấn.Ngoài việc chú trọng tới khâu đào tạo nguồn, huyện Đồng Văn cũng tạo điều kiện cho các cán bộ DTTS nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Hàng trăm lượt cán bộ DTTS được cử đi học các lớp nghiệp vụ và các lớp lý luận chính trị trong và ngoài tỉnh, từng bước nâng cao năng lực công tác của từng cán bộ, công chức. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: “Tất cả các phòng, ban đều phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý cũng như làm tốt nhất công tác phát triển cán bộ DTTS. Ngoài việc thực hiện theo đúng chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi cũng dựa theo tình hình cụ thể của địa phương để sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ DTTS như: Ưu tiên con em trên địa bàn huyện có trình độ sẽ được sắp xếp về làm việc tại địa phương. Mục đích chính là thu hút nguồn lực là người DTTS về công tác, phục vụ quê hương”. Đến nay, đa số con em người DTTS sau khi học xong đều có mong muốn trở về địa phương làm việc và cống hiến.
Hiện nay, tại một số xã trên địa bàn huyện, các chức danh chủ chốt hầu hết đều là người DTTS. Điều này tạo thuận lợi trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, bởi lẽ họ am hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con hơn ai hết nên công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đều phát huy hiệu quả. Một trong các xã phát huy vai trò của người lãnh đạo là người DTTS chúng tôi ghi nhận được đó là tại xã Sảng Tủng. Chỉ tính từ đầu năm 2017, cán bộ xã đã vận động được 11 trường hợp thanh niên bắt vợ khi chưa đủ tuổi từ bỏ ý định kết hôn, đưa các bé gái về lại gia đình, tiếp tục đi học; thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả nhiều lớp xoá mù chữ được đánh giá là hiệu quả nhất trên toàn huyện. Bên cạnh đó, cán bộ còn tích cực giúp dân phát triển kinh tế, trồng hàng chục ha rau xanh, tìm hiểu các cách chăn nuôi khoa học giúp dân ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Anh Cháng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, là người dân tộc Dao, cho biết: “Là cán bộ, lại là người dân tộc thiểu số, đồng bào sẽ cảm thấy được thấu hiểu và đồng cảm nhiều hơn, chính vì vậy khi tuyên truyền cũng dễ dàng hơn”.
Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức người DTTS, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương còn cần có sự hỗ trợ và ban hành thực hiện các chính sách thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS. Những cán bộ này sẽ trở thành những hạt nhân trong quản lý điều hành hệ thống chính trị; đồng thời là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thay đổi những tập tục lạc hậu thúc đẩy phát triển nông thôn.
My Ly
Ý kiến bạn đọc