Xã Phương Thiện nâng cao tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh
BHG - Phương Thiện là xã nằm ở cửa gõ phía Nam của thành phố Hà Giang, nhưng tại đây vẫn tồn tại những phong tục, nếp sống cần loại bỏ. Trong đó, vấn đề nhà cầu trên ao của các hộ dân đã tồn tại từ lâu đời, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đứng trước nguy cơ đó, UBND xã đã thực hiện chiến dịch “xóa nhà cầu trên ao”.
Cán bộ xã xuống nhà dân vận động xóa bỏ nhà cầu trên ao, hướng dẫn xây nhà vệ sinh tự hoại. |
“Không làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước; Không tạo nơi cho ruồi, muỗi và các côn trùng khác sinh nở; Không có mùi hôi thối, khó chịu...”, đó là những tiêu chuẩn của nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhưng, những mùi hôi thối, nước thải được xả trực tiếp ra ao, người dân sử dụng nước và ăn những thủy sản tại ao đó, hiện vẫn đang diễn ra tại xã Phương Thiện. Trên cơ sở đó, UBND xã đã đưa ra những biện pháp cụ thể, cứng rắn hướng người dân tới nếp sống văn minh hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Với những tác hại khi sử dụng nhà tiêu mất vệ sinh như: Mang mầm bệnh tiêu chảy, bệnh đường ruột... và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Trước những hậu quả đó, năm 2014, xã đã phối hợp với các đoàn thể của xã, như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... cùng vào cuộc và làm thí điểm 8 nhà vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia về nhà vệ sinh và hỗ trợ 4 tạ xi măng cho các hộ dân. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn xã vẫn còn 28/870 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh; dự kiến trong năm 2017, xã sẽ xóa bỏ hoàn toàn”.
Để có được thành tích đó, xã đã đến từng hộ vận động người dân phá bỏ nhà cầu trên ao, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại. Bước đầu mới triển khai theo đồng chí Nguyễn Văn Long, đây là một quá trình rất khó khăn, bởi tập quán này đã ăn sâu vào đời sống của người dân và họ chưa được tiếp cận với công nghệ mới; vì vậy phong trào chưa nhận được sự hưởng ứng của người dân. Tại nhiều buổi vận động, người dân thường đặt ra những vấn đề thắc mắc: “Nếu phá đi thì lấy gì làm thức ăn cho cá và nước thải sẽ chảy đi đâu...”, những thắc mắc này đã được xã giải đáp ngay tại buổi vận động, cùng với những nhà tiêu thí điểm đã giúp người dân hình dung rõ hơn: Cá có thể ăn cỏ, cùng các thức ăn khác... Nhà vệ sinh tự hoại, với việc được chia làm 2 - 3 ngăn gồm 1 ngăn chứa, 1 ngăn lắng xây bằng gạch, sau quá trình lắng nước sẽ chảy ra ruộng và làm phân bón cho đất...
Từ những chiến dịch tích cực đó, đã mang đến một bộ mặt mới cho xã Phương Thiện, nâng tỉ lệ hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn cao, cảnh quan môi trường trở nên sạch đẹp hơn. Chính người dân cũng nhận thấy những tiện ích của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo anh Kiều Văn Bắc, thôn Chiến Thắng cho biết: “Từ khi có nhà vệ sinh mới, gia đình tôi sử dụng quen rồi, sạch sẽ mà tiện lợi, không như trước khi sử dụng phải bịt mũi, quanh nhà nhiều ruồi, muỗi...”.
Những nếp sống mới tại xã Phương Thiện đang dần hình thành nhờ sự nỗ lực tuyên truyền. Qua thực tế trên cho thấy, việc vận động nhân dân từ bỏ nhà cầu trên ao là rất cần thiết để Phương Thiện xứng đáng là xã Nông thôn mới của thành phố Hà Giang.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc