Cảnh báo từ vụ bắt giữ, tiêu hủy 28 con lợn bị lở mồm, long móng
BHG- Cách đây hơn 2 tháng, ngày 5.1, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ và tiêu hủy 28 con lợn mắc bệnh lở mồm, long móng đang trong quá trình mang đi tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Giang. Vụ việc đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về công tác kiểm soát, phát hiện phòng và trừ dịch đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng thú y.
28 con lợn lở mồm, long móng bị phát hiện trong quá trình đi tiêu thụ được các ngành chức năng tiêu hủy ngay trong ngày 5.1. |
Theo đánh giá của lực lượng thú y, dựa vào các triệu chứng của đàn lợn tại thời điểm phát hiện, bắt giữ và thông tin của chủ trại lợn, số lợn này đã phát bệnh trước đó từ 5-7 ngày. Đàn lợn được bôi thuốc chữa sưng tấy, nhiễm trùng móng và mồm nhưng không khỏi mới bán cho thương lái. Cũng từ khai nhận của chủ hàng, số lợn trên được thu mua trôi nổi ở ngoài địa phận tỉnh ta. Nhưng tại sao trong quá trình vận chuyển về thành phố Hà Giang, không có bất kỳ lực lượng nào phát hiện để kịp thời ngăn chặn, xử lý sớm, mặc dù quãng đường đến trung tâm hành chính của tỉnh ta không phải là gần!? Nếu số lợn trên không bị bắt giữ mà được tiêu thụ trót lọt, hậu quả sẽ ra sao và liệu bệnh từ đó có lan ra diện rộng!?. Bên cạnh đó, theo chủ hàng khai báo, toàn bộ số lợn anh ta thu mua được chỉ có 28 con và chưa tiêu thụ được con nào. Liệu rằng lời khai có đúng sự thật? Không ai có thể kiểm chứng lời khai của chủ hàng. Biết đâu, số lợn bệnh chủ hàng thu mua được lớn hơn số lợn được bắt giữ? Biết đâu nhiều lợn bệnh đã được tiêu thụ trót lọt mà các cơ quan chức năng không biết? Và biết đâu, số lợn trên được chủ hàng thu mua ở một gia đình nào đó trên địa bàn tỉnh ta mà không phải ở tỉnh khác?... Còn rất nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh vụ việc này mà chỉ có chủ hàng biết rõ nhất.
Tuy nhiên, điều chúng tôi quan tâm, trước đây trong cả nước nói chung và cả trên địa bàn tỉnh ta, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã từng phản ánh về các vụ việc người dân bán tháo động vật bị nhiễm bệnh, chết như vụ việc này. Dù người chăn nuôi nào cũng biết điều đó là sai và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Theo nhận định của người viết, điều này xuất phát từ các nguyên nhân: Thứ nhất, người chăn nuôi, để bỏ công sức, tiền của, nuôi được một đàn lợn khỏe mạnh, khi xuất bán cũng không lãi là bao. Vì vậy, khi đàn lợn bị mắc bệnh, chắc chắn công sức chăn nuôi và tiền của bỏ vào đàn lợn sẽ “đổ sông, đổ biển”, nên người nuôi có tâm lý bán tháo, mong sao vớt vát được đồng vốn. Thứ hai, nhận thức của người dân về công tác phòng trừ dịch bệnh còn thấp, cộng với công tác tuyên truyền, nắm bắt hoạt động chăn nuôi của của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương và lực lượng thú y còn lơ là, chủ quan. Bên cạnh đó, các quy định của T.Ư và của tỉnh cũng chưa có một chính sách bảo hiểm rủi ro hay hỗ trợ rủi ro nào cụ thể cho hoạt động sản xuất, chăn nuôi cũng là nguyên nhân khiến người dân thà bán gia súc mắc bệnh, thu hồi vốn còn hơn chống dịch lây lan.
Thông qua vụ việc này, mong rằng các cấp và ngành chuyên môn cần sớm tham mưu và đưa ra những chính sách bảo hiểm rủi ro hoặc cơ chế hỗ trợ cụ thể người sản xuất, chăn nuôi khi gia súc, gia cầm mắc dịch bệnh chết; đồng thời xiết chặt hoạt động tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tiêu thụ gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm mắc bệnh, không đảm bảo an toàn thực phẩm; các địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra tình trạng này; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi... Từ đó, mới có thể nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp, ngành trong phòng, chống dịch bệnh.
Trung Nhân
Ý kiến bạn đọc