Tăng cường phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người
BHG - Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%); trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta. Riêng trong 2 tháng qua đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Tích lũy từ tháng 3.2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc bệnh. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh; hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Đồng thời theo thông báo của tổ chức Thú y quốc tế (OIE); trong tháng 1.2017, đã sảy ra một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta. Vì vậy khả năng xâm nhập của dịch bệnh vào nước ta là rất cao.
Căn cứ Công văn số 672/BYT-DP ngày 17.2 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch cúm lây truyền từ động vật sang người, để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống lây nhiễm vi rút từ động vật sang người, không để dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Sở Công thương, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP, Cục Hải quan tỉnh tăng cường ngăn chặn, kiểm tra, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, các cửa khẩu, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường giám sát dịch bệnh, chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và các huyện có cửa khẩu tiểu ngạch; tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi và đến vùng có dịch và biện pháp phòng, chống. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra. Sở Thông tin Truyền thông, Báo Hà Giang, Đài PT – TH tỉnh tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người; vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi và đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong. Sở Tài chính có kế hoạch cấp sớm kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát phòng, chống dịch chủ động; bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm lây sang người và trên diện rộng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch cúm lây truyền từ động vật sang người; chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí kinh phí cho các đơn vị y tế đảm bảo để triển khai các hoạt động phòng chống dịch…
P.V
Ý kiến bạn đọc