Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm
BHG- Ngày 27.2, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến kết luận tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các địa biểu tập trung đề ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh: Nắm bắt thông tin kịp thời bằng hệ thống tin nhắn điện thoại; đặt các chốt chặn kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, phun độc khử trùng; tăng cường hoạt động tuần tra; tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; thành lập tổ xung kích tại các xã biên giới; tăng cường cán bộ thú y, quản lý thị trường thường trực tại các xã biên giới để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.Trong tháng 1.2017, Trung Quốc ghi nhận 109 người bị lây nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn tỉnh ta, tuy chưa phát hiện được trường hợp gia cầm nào mắc bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là cúm A H5N1, H7N9, H5N6. Tuy nhiên nguy cơ bệnh cúm bùng phát và lây lan rất cao do số lượng gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm hàng ngày nhập vào tỉnh khá nhiều, vì tỉnh ta là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành các chương trình hành động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản, công điện về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi tút cúm gia cầm H7N9 và các chủng vi rút xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến yêu cầu: Toàn tỉnh tập trung, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; các địa phương không để gia cầm, sản phẩm gia cầm từ bên kia biên giới vào nội địa dưới mọi hình thức; kiên quyết không cho vận chuyển gia cầm vào tỉnh nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ; Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống dịch một cách sát thực, hiệu quả; thành lập tổ công tác cơ động của ngành để giúp ngành kiểm tra, đôn đốc, xử lý khi có các điểm nóng về dịch bệnh xảy ra; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các huyện biên giới; trạm kiểm dịch động vật tại Vĩnh Tuy nghiêm túc thực hiện các biện pháp kiểm dịch; các cơ quan tuyên truyền vào cuộc quyết liệt, nêu tác hại, chế tài xử lý, giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân; xây dựng các phóng sự về tác hại của cúm gia cầm đối với sức khỏe người và phát liên tục nhiều số liền; bao cáo hàng tuần về cơ quan thường trực; phối hợp chặt chẽ với sở y tế trong công tác điều trị khi phát hiện trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm; lực lượng chức năng ở biên giới tham gia vào đội xung kích của xã, kiên quyết ngăn chặn, kiểm soát hoạt động buôn bán gia cầm tại biên giới; các địa phương làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, quản lý chặt chẽ số người đi lao động tại Trung Quốc trở về; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm, đặt các chốt kiểm dịch chặt chẽ.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc