Cách xử trí và phòng tránh kiến ba khoang đốt
BHG - Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng & Côn trùng, tính đến ngày 4.11, trên địa bàn tỉnh ta kiến ba khoang xuất hiện ở một số huyện như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Quản Bạ và 1 số đơn vị, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hà Giang. Đặc biệt, tại huyện Bắc Quang, Kiến ba khoang đã xuất hiện tại hầu hết các xã trong huyện với số lượng lớn vì vậy một số trường phải cho học sinh nghỉ học để tránh bị kiến đốt. Tuy nhiên, kiến ba khoang không phải loài côn trùng chủ động đốt người và cũng không phải loài côn trùng truyền bệnh. Hơn nữa, kiến ba khoang thuộc loại côn trùng có lợi, vẫn được coi là bạn của nhà nông. Vì vậy, không nên tìm cách tiêu diệt kiến ba khoang mà hãy tìm cách xua đuổi chúng ra khỏi môi trường sống của mình.
Kiến ba khoang (hay kiến khoang) có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Kiến ba khoang còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, cằm cặp, kiến cong đít.
Trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên pederin có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu kiến ba khoang, khi đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Cho nên nếu bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và ưa thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Tháng 9,10,11 là mùa sinh sản của chúng, chính vì vậy làm cho đàn kiến gia tăng.
Biểu hiện khi bị kiến ba khoang đốt
Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thế như: Mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
Bệnh nhi có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tốn trên diện rộng, trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Thu Ngân (Soạn)
Ý kiến bạn đọc