BVĐK tỉnh Hà Giang: Nối thành công một trường hợp đứt 1/3 cẳng tay trái
BHG- Hồi 20h30’ ngày 20.10, Khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận bệnh nhân Ma Văn Truyền (sinh năm 2004) ở thôn Nà Rình, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) sau tai nạn 6 giờ đến viện Hà Giang trong tình trạng đứt 1/3 dưới cẳng tay trái, đứt bó mạch thần kinh quay, trụ, giữa; gẫy 1/3 dưới hai xương cẳng tay, lộ đầu xương; mất hoàn toàn vận động, cảm giác các ngón bàn tay trái.
Bệnh nhân Ma Văn Truyền sau 7 ngày điều trị. |
Theo người nhà kể, khoảng 15h ngày 20.10 bệnh nhân trèo lên tảng đá chơi không may đá lở bị ngã và bị đá lăn kẹp vào cổ tay trái cụt gần hết, chảy nhiều máu đưa vào bệnh viện Bảo Lâm sơ cứu sau đó chuyển viện sang Hà Giang.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sỹ hội chẩn và chuyển lên Khoa Phẫu thuật thực hiện phẫu thuật kết hợp xương cẳng tay, nối tỉ mỉ các động mạch, tĩnh mạch, thần kinh, khâu nối toàn bộ gân, trong quá trình phẫu thuật đã truyền 1 đơn vị máu cùng nhóm. Cuộc phẫu thuật kéo dài 3,5 giờ đồng hồ. Sau hơn chục ngày điều trị, đến nay vết mổ đã khô, bàn tay hồng ấm, máu đã lưu thông, mạch quay rõ, có cảm giác nâng các ngón tay, vận động nhẹ các ngón tay được.
Bác sỹ Lê Văn Lợi, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, việc nối ghép phần bị đứt của cẳng tay vô cùng khó khăn, kỹ thuật vi phẫu phức tạp vì các mạch máu dưới da rất nhỏ, đan xen nhiều. Tuy nhiên, may mắn nạn nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời nên việc nối ghép được tiến hành ngay sau đó, tiên lượng khả quan.
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, tất cả các trường hợp ngón tay, bàn tay hoặc chân bị đứt lìa cần lập tức rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Sau đó bọc phần chi bị đứt vào khăn sạch, ẩm, bỏ vào túi bóng bọc kín và bảo quản bằng đá lạnh, đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt, vì phần chi bị đứt lìa chỉ có thể sống được khoảng 6 giờ đồng hồ trong điều kiện bảo quản tốt.
Nguyễn Thị Hà (Khoa CTCH - BVĐK tỉnh Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc