Bệnh đái tháo đường và cách phòng tránh
BHG - Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết mạn tính, hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm insuline hoặc kết hợp cả hai. Ngày nay bệnh tiểu đường không còn là căn bệnh nguy hiểm chết người như trước nữa mà nó thuộc loại bệnh có thể kiểm soát được. Nếu được chữa trị tốt và người bệnh chịu thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao hợp lý thì họ có cơ hội sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường.
Để hạn chế căn bệnh này cần:
Giảm trọng lượng
Trọng lượng là vấn đề rất cần được quan tâm đối với người bệnh mắc ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ tuyp 2.
Hình ảnh biến chứng của người bệnh ĐTĐ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trước và sau khi được khâu. |
Béo phì đồng nghĩa với dư thừa chất béo trong cơ thể. Vừa béo phì vừa mắc ĐTĐ tuýp 2 là điều kiện thuận lợi cho hàm lượng insulin tích tụ và tăng lượng đường trong máu.
Bỏ thuốc lá
Nếu thường xuyên hút thuốc lá thì việc điều trị bệnh sẽ gặp khó khăn. Người có tiền sử mắc bệnh ĐTĐ thường bị tắc mạch ngoại vi, nhất là ở các chi. Hút thuốc lá càng làm mạch chi bị tắc nhiều hơn, trong trường hợp xấu, đôi khi phải dùng đến thủ thuật cắt cụt chi. Không chỉ dừng lại ở đó, hút thuốc lá còn có thể khiến đàn ông “bất lực”. Khi hút thuốc, hàm lượng cholesterol tăng, kéo theo khả năng mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ cũng tăng.Ăn ít chất béo
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chế độ ăn uống khoa học là vấn đề then chốt khống chế bệnh ĐTĐ. Một chế độ ăn lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm ít chất béo và calo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nếu ăn thịt chỉ nên ăn thịt nạc.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh ĐTĐ, bởi nó có thể hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng, chống bệnh tim mạch.
Bổ sung thêm ngũ cốc
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn ngũ cốc như là một thành phần chủ đạo trong bữa ăn. Bên cạnh đó, có thể ăn bổ sung bánh mì hay các loại bánh được chế biến từ bột mì.
Hạn chế đường, chất béo và cácbon-hydrat
Cơ thể chúng ta có khả năng hòa tan nhiều loại thức ăn khác nhau theo những tỷ lệ khác nhau: Mất từ 5 phút - 3 giờ để tiêu hóa, cacbon - hydrat có nhiều trong khoai tây, 3 - 6 giờ để tiêu hóa protein và phải mất 8 giờ hoặc hơn để “tiêu thụ” hết. Đó là lý do tại sao các loại thức ăn khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới hàm lượng đường trong máu.
Luyện tập thể dục, thể thao
Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày nên luyện tập khoảng 30 phút. Nên lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.
Thu Ngân (Soạn)
(Trung tâm TT/GDSK)
Ý kiến bạn đọc