Người nhiễm HIV cần mua Bảo hiểm Y tế
BHG - Theo thông báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 1.1.2017, thuốc kháng vi rút (ARV) điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS sẽ không được cấp miễn phí mà thanh toán qua Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Nếu bệnh nhân nào không có thẻ BHYT sẽ phải tự chi trả tiền thuốc ARV và các chi phí liên quan.
Chính vì vậy, tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS là rất quan trọng, vì điều trị ARV cho người nhiễm HIV là điều trị liên tục và suốt đời. Tiền mua thuốc ARV và chi phí điều trị có thể là gánh nặng kinh tế cho những người nhiễm HIV/AIDS nếu như họ không có BHYT, nhất là đối với những gia đình nghèo. BHYT thực sự là điểm tựa vững cho mọi người nhất là đối với người nhiễm HIV/AIDS. Mỗi người chỉ phải chi 621.000 đồng/năm để mua thẻ BHYT sẽ được hưởng trung bình khoảng 13.000.000 đồng/năm cho tiền thuốc ARV.
Tư vấn điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS. |
Tại Hà Giang đến tháng 7. 2016 có 543 bệnh nhân đang điều trị ARV. Qua khảo sát tại các cơ sở điều trị ARV trong toàn tỉnh mới chỉ có 75% bệnh nhân có thẻ BHYT. Đây thực sự là khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.Để khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, Sở Y tế đã chỉ đạo kiện toàn cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT.
Tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS hiện có 115 bệnh nhân đang điều trị ARV, đến nay Trung tâm đã kiện toàn Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, hoàn tất các thủ tục và ký hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội tỉnh để triển khai thanh toán BHYT cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS vào ngày 01/01/2017. Tất cả các bệnh nhân đến khám điều trị tại đây đều được rà soát, tư vấn về việc mua BHYT.
Chị Hoàng Thị M (Bắc Quang) đến khám và lấy thuốc ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS lo lắng, chia sẻ khi tham gia BHYT sợ bị lộ thông tin. Về điều này bác sĩ Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Bệnh nhân không nên lo lắng điều này, Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định “Người nhiễm HIV được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS” (điều 4). “Nghiêm cấm những hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết về việc một người bị nhiễm HIV mà chưa được sự đồng ý của người đó trừ trường hợp quy định tại điều 30 của Luật này” (điều 8). Như vậy, việc bảo mật thông tin về quá trình khám chữa bệnh HIV/AIDS đã được quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức (bao gồm cả người làm việc tại cơ sở y tế, cơ quan BHXH) vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS ở tuyến huyện. Đối với bệnh nhân muốn đăng ký điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở tuyến tỉnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 năm 1 lần.
Về những nhiệm vụ triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS trong thời gian tới, bác sỹ Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Cùng với việc kiện toàn cơ sở điều trị, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho khám chữa bệnh BHYT, hoạt động truyền thông, tư vấn người nhiễm HIV mua BHYT cần được tăng cường. BHYT cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt với người nhiễm HIV còn quan trọng hơn nhiều. Bởi điều trị ARV là điều trị liên tục suốt đời, nếu vì lý do nào đó để gián đoạn, nguy cơ kháng thuốc rất cao, nếu phải thay đổi phác đồ từ bậc 1, lên bậc 2 điều trị sẽ tốn kém gấp nhiều lần, mà lo ngại nhất do nồng độ vi rút trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.
Liên Hương
Tư vấn điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Ý kiến bạn đọc