Quang Bình, người dân khổ vì xe trọng tải lớn
BHG- Quốc lộ 279, đoạn chạy qua địa phận huyện Quang Bình với chiều chỉ vài chục Km, nhưng từ lâu đã được mệnh danh cung đường khổ ải. Hiện trạng mặt đường rất hẹp, xuống cấp nghiêm trọng với mật độ dày đặc ổ gà, ổ voi, rãnh sống trâu... khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, những ngày gần đây, sự xuất hiện các xe trọng tải lớn lưu thông suốt ngày, đêm khiến cuộc sống của cư dân hai bên đường thêm phần bất an. Các xe trọng tải lớn qua lại như mắc cửi, đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải lưu thông trên tuyến đường này. Từ giữa năm trước, tuyến đường này bắt đầu được nâng cấp, nhiều đoạn mặt đường bị cày sới, đào đắp đất đá, xây cống, rãnh, phục vụ thi công khiến việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn.
Xã Tân Trịnh (Quang Bình) nằm bám dọc theo tuyến 279 với hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên đường. Từ nhiều năm nay, người dân khổ vì đường xuống cấp, thời gian gần đây lại gánh thêm nỗi khổ của xe quá khổ, quá tải; nhiều chiếc dài loằng ngoằng cắn đuôi nhau bò trên đường khiến các phương tiện khác gặp nhiều khó khăn khi lưu thông qua đây. Đường đã xuống cấp, giờ càng nguy hiểm hơn vì xe quá khổ, quá tải, xe trọng tải lớn lưu thông, khiến ngày nắng bụi bay mù mịt, hễ mưa đường ngập ngụa bùn đất. Cuộc sống ban ngày đã khổ, về đêm cũng không yên bởi mật độ xe trọng tải lớn lưu thông nhiều hơn, tiếng động cơ gầm rú đinh tai, nhức óc, không tài nào ngủ được.
Xe trọng tải lớn nườm nượp trên Quốc lộ 279. |
Gia đình chị Hoàng Thị Nhượng (Tân Trịnh) sống bám ngay bên đường, mỗi ngày phải chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe quá khổ, xe trọng tải lớn chở hàng qua gây bụi bẩn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên rất bức xúc. Chị cho biết, đường xuống cấp, xe trọng tải lớn qua lại nhiều, việc kinh doanh, buôn bán của gia đình gặp khó khăn hơn, bụi bám đầy hàng hoá nên người dân không muốn mua. “Tình trạng xe tải trọng lớn chở đầy hàng hoá lưu thông qua tuyến đường này sang Lào Cai đã diễn ra nhiều ngày nay, nhưng không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý hoặc đặt cân tải trọng” - chị Hường bức xúc! Còn bác Vũ Xuân Hoà (Tân Trịnh), lại có nỗi khổ riêng, gia đình bác làm nghề chạy chợ, mỗi ngày phải đi lại trên tuyến đường khổ ải này nhiều lượt nên luôn nơm nớp lo sợ. Đường khó, khi gặp những chiếc xe trọng tải lớn lưu thông, có khi họ đi hàng đoàn 4-5 chiếc, dài ngoẵng trên đường nên rất khó đi.
Người dân đi lại trên tuyến đường này đã khổ, nhưng các thầy cô giáo, các em học sinh Trường THCS Tân Trịnh bám ngay mặt đường thì luôn phải đối diện với nỗi lo mất an toàn giao thông. Thầy giáo Phạm Quốc Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Trịnh cho biết, trường có 230 học sinh, các lớp được tổ chức 2 buổi/ngày, hàng ngày các thầy cô giáo, các em học sinh phải qua lại con đường xuống cấp và nhiều xe trọng tải lớn lưu thông nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Trước tình trạng đó, nhà trường luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên, học sinh, khi ra đường ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn phải chú ý quan sát, khi thấy các xe tải trọng lớn phải tránh vào các nhà dân hai bên đường nhằm đảm bảo an toàn.
Qua tìm hiểu cho thấy, các tuyến đường chạy qua địa bàn huyện Quang Bình thời gian gần đây luôn oằn mình bởi xe tải trọng lớn. Ngoài tuyến Quốc lộ 279, đường tỉnh 183 nối Vĩnh Tuy (Bắc Quang) - Yên Bình (Quang Bình) đã và đang được nâng cấp, sửa chữa với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng đối diện với nguy cơ giảm tuổi thọ vì xe quá tải. Người dân thị trấn Vĩnh Tuy cho biết, hàng đêm có hàng chục chiếc xe mang biển kiểm soát Tuyên Quang, Thái Nguyên... chở đầy quặng lưu thông trên tỉnh lộ 183 sang Yên Bái. Đường mới được nâng cấp, xe tải trọng lớn lưu thông nhiều, nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý và cũng từ giữa năm trước đến nay, chưa thấy trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động hoạt động ở khu vực này.
Nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải phá huỷ kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh ta được trang bị hệ thống cân tải trọng lưu động hiện đại, đồng bộ, nhưng nhiều lúc vị trí đặt trạm cân không hợp lý nên hiệu quả bảo vệ tuyến đường không cao. Có thời điểm, trạm KTTTX đặt cả tháng tại km 5 đường Hà Giang - Tuyên Quang, như vậy chỉ bảo vệ được một đoạn đường ngắn trước khi vào thành phố. Trong khi đó, các xe quá khổ, quá tải tung hoành hàng gần trăm Km từ Vĩnh Tuy đến Bình Vàng rồi sang tải, khi qua trạm cân lại dồn tải, tiếp tục phá đường. Không những vậy, trạm cân nhiều lúc có như không, có đêm xe quá khổ, quá tải vẫn vượt trạm như chốn không người.Những ngày gần đây, xe chở nông sản, xe chở ván bóc từ các tỉnh lân cận vào địa bàn tỉnh ta rất nhiều, phần lớn quá khổ, quá tải. Thiết nghĩ, ngành chức năng nên sớm đưa trạm KTTTX lưu động xuống cửa ngõ phía Nam của tỉnh, nhằm bảo vệ, ngăn chặn xe quá tải trước khi vào tỉnh, thay vì loanh quanh gần thành phố như hiện nay, có như vậy hiệu quả kiểm soát tải trọng xe mới cao, kết cấu hạ tầng giao thông mới được bảo vệ tốt.
Bài, ảnh: Vĩnh Phúc
Ý kiến bạn đọc