Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận: Hết lòng vì bệnh nhân nghèo vùng biên
BHG- Xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) là xã vùng 3 khó khăn của huyện, toàn xã có 3.367 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 9 thôn. Trong 9 thôn của xã, có 4 thôn biên giới giáp Trung Quốc; nhiều thôn cách xa trung tâm xã, tỷ lệ hộ nghèo cao... Vượt qua những trở ngại trên, trong những năm qua, Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận đã có những cố gắng đáng ghi nhận trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ (CSSK) ban đầu cho nhân dân. Tập thể cán bộ, nhân viên của Trạm thực sự trở thành những người thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh, chiếm được tình cảm, sự tin yêu của người dân vùng biên.
Cán bộ y tế xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tránh thai. |
Hiện tại, Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận có 7 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sỹ, 4 y sỹ, 1 nữ hộ sinh, 1 y tá, hầu hết cán bộ là người địa phương nên họ gắn bó với con người, mảnh đất quê hương mình. Trong năm 2015, trạm đã khám, điều trị cho trên 2.570 lượt người, trong đó điều trị nội trú 352 lượt người; khám, điều trị cho trẻ em dưới 5 tuổi 547 trẻ; trên 99% trẻ em dưới dưới 1 tuổi được tiêm đủ 7 mũi vác xin; 308 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai. Toàn xã có 9 nhân viên y tế thôn bản, đội ngũ này được trạm củng cố, xây dựng và luôn theo dõi sát tình hình sức khoẻ của nhân dân, cũng chính nhờ đội ngũ này mà nhiều năm nay trên địa bàn xã Nghĩa Thuận không có trường hợp tử vong do sinh đẻ; khi có dịch bệnh lạ xuất hiện đã kịp thời thông báo về Trạm và Trung tâm Y tế huyện để có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Nhằm giảm thiểu các loại bệnh thường gặp trong nhân dân, Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận phân cử cán bộ thường xuyên theo dõi, xuống thôn, xóm, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng các loại thực phẩm an toàn, nên ăn chín, uống sôi, không sử dụng bánh ngô mốc, rau rừng, nấm độc; theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi để phòng chống suy dinh dưỡng thông qua việc tổ chức thực hành dinh dưỡng tại thôn. Từ cách tuyên truyền thiết thực, cụ thể theo hướng “mưa dầm thấm lâu” nên nhận thức của người dân trong xã, nhất là ở các thôn cao, giáp biên giới đã thay đổi được hành vi, khi ốm đau, bệnh tật đến Trạm y tế khám, điều trị. Để nâng cao chất lượng CSSK ban đầu cho nhân dân, cán bộ của Trạm cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức mới do Sở, Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ tổ chức; Trung tâm Y tế huyện cũng cử cán bộ xuống Trạm hướng dẫn cách sử dụng trang thiết bị máy móc mới cấp. Đến nay, cán bộ của Trạm đã sử dụng thành thạo máy xét nghiệm sinh hóa, đường máu, siêu âm ổ bụng, thai và áp dụng phương pháp đỡ đẻ mới da kề da sau khi sinh...
Chị Lương Thị Nhung, Trưởng trạm Y tế xã Nghĩa Thuận cho biết: Niềm vui lớn nhất của cán bộ trong năm 2015 là Trạm được công nhận đạt chuẩn bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, cũng chính điều này đang đặt ra cho mỗi cán bộ của Trạm những nhiệm vụ, trách nhiệm mới nặng nề hơn. Được biết, chị Nhung đã gắn bó với Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận hơn 10 năm và một số cán bộ khác có tuổi nghề cũng trên, dưới 10 năm gắn bó với ngành Y. Trong những năm công tác đó, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, họ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để CSSK cho nhân dân. Có những trường hợp bệnh nhân nặng cần chuyển tuyến nhưng vẫn tin tưởng vào trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ y tế của trạm nên đã ở lại điều trị và điều trị thành công.
Với tấm lòng yêu ngành, yêu nghề, tận tình chăm sóc người bệnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận đã góp phần rất lớn vào việc SSSK ban đầu cho nhân dân, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển KT- XH chung của huyện.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc