Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
BHG- Hưởng ứng năm an toàn thực phẩm, tại tỉnh ta, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã được các cơ quan chức năng, các địa phương phối hợp triển khai nghiêm túc theo kế hoạch của Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh, góp phần phục vụ nhân dân đón Tết và tham gia lễ hội trong không khí vui tươi, an toàn, lành mạnh.
Vệ sinh an toàn thực phẩm của phần lớn cơ sở kinh doanh, sản xuất phẩm thực đều đảm bảo. |
Mùa lễ hội luôn là thời điểm dễ xảy ra các nguy cơ về mất VSATTP ở tất cả các khâu chuỗi thực phẩm và dịch vụ ăn uống, do người dân thường lưu trữ thực phẩm từ trong Tết, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thường có nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện VSATTP trong chế biến thực phẩm... Với mục tiêu không để xảy ra vấn đề nghiêm trọng về VSATTP, thời gian qua các đoàn kiểm tra liên ngành ở các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra 1.131 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Qua đó, phát hiện 108 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền trên 26 triệu đồng, tiêu hủy 222,8 kg hàng hóa các loại.
Thành phố Hà Giang là nơi tập trung nhiều hàng, quán, do vậy thời gian qua đã tập trung tăng cường kiểm tra trên địa bàn. Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, Phùng Văn Tiến cho biết: “Trong dịp Tết, đoàn đã kiểm tra 91 cơ sở kinh doanh thực phẩm, có 13 cơ sở vi phạm, phạt tiền 5,6 triệu đồng. Cụ thể như cơ sở kinh doanh hàng tổng hợp Long Hạnh, ở tổ 13, phường Nguyễn Trãi, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa... Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện mô hình điểm VSATTP, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với kinh doanh thức ăn đường phố nhằm đảm bảo các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo điều kiện vệ sinh”.
Theo thống kê, nội dung vi phạm chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm là về chất lượng sản phẩm thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa chấp hành đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan đến các điều kiện VSATTP như: hàng hóa thực phẩm để gần với hóa chất, còn có thực phẩm quá hạn sử dụng, người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa mặc trang phục bảo hộ, chưa được khám sức khỏe; một số nơi không có sổ theo dõi kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm không đúng quy định... Nhưng nhìn chung, các ngành, địa phương đã chủ động tổ chức triển khai ra quân kiểm tra VSATTP, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về VSATTP như được cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức VSATTP, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, có niêm yết giá...
Nhằm siết chặt quản lý về VSATTP, Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm như tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về VSATTP; tư vấn và vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, thành phố chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các mặt hàng ăn uống, bánh, kẹo, rượu, bia... hay sử dụng trong mùa lễ hội.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc