Khó khăn trong công tác tập hợp đoàn viên, thanh niên ở Đồng Văn
BHG- Tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là yếu tố then chốt trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn. Nhiều năm nay, vấn đề này luôn là “Bài toán khó” đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ở nhiều nơi, hiện tượng thanh niên sử dụng rượu, bia; hay chơi game online đang là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trực tiếp tới tập hợp ĐVTN. Nhưng ở huyện Đồng Văn công tác tập hợp ĐVTN lại gặp những khó khăn riêng biệt.
Đồng Văn có trên 18.000 ĐVTN, trong đó trên 90% ĐVTN vùng nông thôn. Theo tìm hiểu, những năm qua, Huyện đoàn đã có nhiều phương thức tập hợp đáp ứng với nhu cầu, sở thích của thanh niên; Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để tiếp cận và hỗ trợ cho ĐVTN không có điều kiện phát triển kinh tế, qua đo, tạo động lực để ĐVTN tham gia hoạt động Đoàn. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc tập hợp chưa đạt được kết quả cao, do một bộ phận thanh niên chưa nhận thức rõ vai trò của công tác Đoàn, chưa nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức.Đề cập tới khó khăn trong công tác tập hợp ĐVTN, đồng chí Tráng Sèng Phong, Bí thư Đoàn xã Phố Là cho biết: Là một trong những xã biên giới của huyện, hiện nay, xã có 769 ĐVTN ở 10 chi đoàn cơ sở; trong đó, có 7 chi đoàn thôn, bản và 3 chi đoàn trường học. Đối với các chi đoàn, việc tập hợp đoàn viên dễ dàng hơn, nhưng đối với ĐVTN tại các thôn, bản thì việc vận động và tập hợp được lại vô cùng khó khăn; bởi đại đa số ĐVTN ở các thôn, bản là lao động chính trong gia đình; nên sau vụ mùa, hầu hết họ đều sang Trung Quốc làm thuê nên rất khó trong công tác vận động. Mặt khác, do là xã là vùng có dân trí thấp, nên ĐVTN chưa nhận thức được vai trò của tổ chức Đoàn; do đó, chỉ cần vận động trong sinh hoạt Đoàn đã khó chứ chưa nói đến vận động ĐVTN tham gia các hoạt động khác do cấp ủy, chính quyền phát động cần sự tham gia giúp đỡ của tổ chức Đoàn. Cũng vấn đề trên, đồng chí Giàng Mí Sì, Bí thư Chi đoàn thôn Pín Tủng, xã Phố Là cho hay “Hiện, thôn có 12 ĐVTN, nếu theo quy định thì chi đoàn sinh hoạt mỗi tháng 1 lần; nhưng cả năm, các ĐVTN đi vắng hết nên đến 4 tháng, thậm chí 1 năm mới sinh hoạt 1 lần, mỗi lần sinh hoạt cũng không đủ số đoàn viên tham gia”. Đồng Văn là huyện có 54,6 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đường biên đi qua 7 xã, 2 thị trấn với 34 thôn, bản; cùng với đó là huyện có trình độ dân trí thấp trên 90% là dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên tỷ lệ lao động sang Trung Quốc làm thuê cao; trong đó, phần lớn là thanh niên vùng nông thôn, lao động thường đi trong thời gian dài do đó công tác tập hợp ĐVTN trên địa bàn huyện gặp không ít những khó khăn.Từ thực tế trên, huyện Đồng Văn đã có những giải pháp cụ thể trong tập hợp ĐVTN. Đối với tổ chức Đoàn, đồng chí Phan Thị Hồng Yến, Phó Bí thư Huyện đoàn Đồng Văn chia sẻ: Thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục triển khai “6 bài học lý luận chính trị cho ĐVTN” trong các cơ sở Đoàn. Giáo dục ĐVTN “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu hơn về: “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”, tuyển chọn cán bộ Đoàn tại các thôn bản có năng lực trong công tác vận động và tập hợp; thực hiện tốt Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên”... Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo xã Phố Là cho biết: Xã đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn trong công tác vận động, tuyên truyền trong xây dựng NTM; xã cũng đã trực tiếp thuê thanh niên tại xã với ngày công 160 đồng/ngày để tạo việc làm tại địa phương tránh tình trạng thanh niên bỏ quê hương đi làm thuê, hay tuyên truyền ĐVTN lên đường nhập ngũ nghĩa vụ quân sự, thông qua đó giúp cho họ nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị và hiểu rõ vai trò của công tác Đoàn...
Mạnh Tường
Ý kiến bạn đọc