Đồng Văn đẩy mạnh các biện pháp ứng phó khô hạn
BHG- Đồng Văn là một trong những huyện được mệnh danh là “vùng đất khát”, bởi ở đây trung bình một năm có tới 6 tháng khô hạn, rất ít mưa (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau). Điều này đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây phải có những giải pháp nhằm thích nghi, ứng phó với tình hình khô hạn kéo dài nhằm giảm thiểu những thiệt hại, đảm bảo ổn định trong sinh hoạt và sản xuất.
“Hồ treo” thôn Tả Lủng A, xã Sảng Tủng được bảo vệ tốt, cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. |
Có mặt tại một số thôn của xã Vần Chải, Sảng Tủng - là những địa phương trước đây được đánh giá thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác. Những thôn đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt như thôn Sủng Khúa B, Chua Say, Phìn Chải B (xã Vần Chải); thôn Sảng Tủng A,B (Sảng Tủng)... Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, nhờ những chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, huyện mà người dân ở xã Vần Chải và Sảng Tủng đã có nước sinh hoạt tối thiểu trong mùa khô. Có nhiều gia đình tận dụng được các hốc đá, tiết kiệm được vật liệu xây dựng đã xây bể chứa nước. Bên cạnh đó là những bể nước tập thể có dung lượng từ 15 - 20m3 cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng.
Cấp ủy, chính quyền các xã của huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp để khai thác nguồn nước sinh hoạt như khuyến khích nhân dân trồng cây quanh nhà, bảo vệ những thảm thực vật núi đá sẵn có và trồng mới cây vừa để chăn nuôi, vừa để giữ nước lại trong đất. Các cuộc họp của xã, tổ chức chính trị xã hội hay ở thôn xóm đều mang vấn đề sử dụng tài nguyên nước vào lồng ghép, giúp người dân địa phương nâng cao nhân thức trong sử dụng và dự trữ nước trong mùa khô. Cùng với việc đầu tư, khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, nhiều xã trên địa bàn huyện Đồng Văn còn phát động phong trào làm hệ thống tái sử dụng nước gia đình, như việc dùng nước sạch cho sinh hoạt xong thì giữ nước lại để chăn nuôi hay tưới cho cây trồng.
Theo thống kê, tính trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện Đồng Văn đều được Nhà nước đầu tư xây dựng “hồ treo”. Nhưng do nhu cầu nước sinh hoạt ngày một tăng với số lượng người sử dụng ngày một nhiều, hơn nữa không phải “hồ treo” nào cũng có nguồn nước chảy về, chủ yếu vẫn phải “trông trời”. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân tận dụng các nguồn nước tự chảy, có kế hoạch tu sửa, bảo vệ bể, hồ chứa nước sinh hoạt, dự trữ nước khi mùa khô đến được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thôn trên địa bàn Đồng Văn đặc biệt quan tâm, chú trọng. Cũng chính làm tốt công tác này, nên những năm qua, người dân các xã thuộc “vùng đất khát” của huyện Đồng Văn cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt tối thiểu.
Để ứng phó với tình trạng khô hạn kéo dài trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đồng Văn chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án chuyển đổi giống cây trồng, trồng cây thay thế. Hiện tại, toàn huyện có trên 150 ha diện tích trồng lúa hàng năm, tuy nhiên theo dự báo năm 2016 lượng mưa ít, hạn hán kéo dài hơn, trong khi 100% diện tích đất trồng lúa là phụ thuộc vào nước trời. Vì vậy, sẽ có một số diện tích đất ở các thôn thuộc xã Phố Cáo, Ma Lé, Thài Phìn Tủng trước đây trồng lúa phải chuyển sang trồng ngô, rau, đậu tương thay thế để tránh hạn. Riêng đối với cánh đồng thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú có diện tích 13 ha, huyện có chủ trương sẽ không trồng lúa để chuyển sang trồng ngô - tam giác mạch - rau cải, qua đó vừa để tránh hạn vừa gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch, tăng hệ số sử dụng đất từ 2 vụ (lúa - rau vụ Đông) lên thành 3 vụ (ngô - tam giác mạch - rau vụ Đông).
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài đang được huyện Đồng Văn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Điều này sẽ góp phần làm giảm thiểu được những tác động xấu của thời tiết gây ra đối với sinh hoạt và sản xuất, tạo thêm động lực giúp người dân địa phương bám đất, bám làng, giữ vững ổn định chính trị.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc