Đổi thay ở "Làng dân tộc Mông kiểu mẫu" thôn Trù Chải
BHG- Sau 2 năm thực hiện xây dựng “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu”, thôn Trù Chải, xã Bản Ngò (Xín Mần) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Nghề làm hương truyền thống được người dân thôn Trù Chải khôi phục và phát triển. |
Nằm cách trung tâm xã Bản Ngò khoảng 3,5 km, thôn Trù Chải có tổng diện tích tự nhiên trên 200 ha, địa hình đồi núi dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt. Toàn thôn có 50 hộ dân với 265 khẩu, 100% là người dân tộc Mông; trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn chiếm đa số... Năm 2014, huyện Xín Mần quyết định thành lập “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” thôn Trù Chải và đưa vào hoạt động thực tế trên địa bàn. Ngay khi thành lập, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động người dân thôn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thi đua sản xuất giúp nhau phát triển kinh tế, XĐGN, xây dựng NTM trên địa bàn. Ban chỉ đạo xây dựng “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” xã đã triển khai vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương như: Đậu tương, dong riềng, chăn nuôi trâu sinh sản và vỗ béo... Tiến hành khôi phục và phát triển nghề làm hương truyền thống để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM như: Sắp xếp, dọn dẹp nhà ở hợp vệ sinh, xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, giữ vững AN – TT trên địa bàn.
Sau 2 năm thực hiện, “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” thôn Trù Chải đã có sự chuyển biến rõ nét về cả nhận thức và đời sống của nhân dân. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã được phổ biến đến từng hộ dân và đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. Mặc dù sự hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều trong việc cung ứng xi măng, tuy nhiên công tác chỉnh trang khuôn viên, đường làng ngõ xóm vẫn được người dân trong thôn triển khai mạnh mẽ. Đến nay, 50/50 hộ đã tự sắp xếp, dọn dẹp nhà ở hợp vệ sinh và đưa chuồng trại gia súc ra khỏi nhà ở; hơn 50% số hộ dân trong thôn láng bó được nền nhà; xây dựng được bể nước; gần 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm và cổng tạm vào nhà. Ngoài ra, thôn đã tiến hành tu sửa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, mở mới gần 2 km đường liên xóm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn.
Hiệu ứng trong việc xây dựng “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên mảnh đất Trù Chải, mà còn tác động mạnh vào tư duy sản xuất và nhận thức của người dân nơi đây. Theo người dân cho biết, trước đây sản xuất nông nhiệp chỉ mang tính “tự cung, tự cấp” phục vụ cuộc sống hàng ngày, tình trạng thiếu đói vẫn thường xuyên xảy ra. Từ năm 2014 đến nay, đời sống người dân trong thôn từng bước được cải thiện. Trong đó, năng suất lúa đạt 53 tạ/ha, sản lượng đạt 74,2 tấn trong năm 2014, tăng 2,7 tấn so với năm 2013. Tổng đàn gia súc, gia cầm năm sau luôn tăng so với năm trước. Nhiều mô hình chăn nuôi trâu phát triển có số lượng từ 6 – 7 con/hộ dân. Bác Tẩn Seo Mùa, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Từ khi xây dựng làng dân tộc Mông kiểu mẫu, người dân đã phát huy được tinh thần đoàn kết, AN – TT trên địa bàn luôn được ổn định. Ngoài việc vận động bà con nhân dân tăng gia sản xuất, thôn cũng đã khôi phục và duy trì được nghề làm hương truyền thống. Từ đó, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong những lúc nông nhàn...
Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, có thể thấy bộ mặt làng Mông thôn Trù Chải đang từng ngày đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” tiếp tục triển khai các chỉ tiêu về phát triển KT - XH, AN – TT và hoàn thành mục tiêu, kế hoạch thực hiện điểm phong trào “Làng dân tộc Mông kiểu mẫu” ở thôn Trù Chải.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc