Chăm sóc sức khỏe - vinh dự và trách nhiệm
BHG- Ngày hội của những người khoác trên mình chiếc áo blu trắng diễn ra trong cái rét ngọt của miền cực Bắc Tổ quốc. Nhưng tại hội trường - nơi diễn ra chương trình giao lưu, gặp gỡ, tôn vinh những người làm trong ngành Y tế tỉnh nhà - không khí ấm áp, sẻ chia đang lan tỏa trên từng gương mặt, nơi mỗi trái tim của những người có mặt. Chúng tôi đã kịp trải lòng cùng họ, những người lặng thầm níu giữ mầm sống cho bệnh nhân!
Các Thầy thuốc giao lưu, chia sẻ về nghề nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Chấn, nguyên Bệnh viện trưởng Bệnh viện tỉnh Hà Giang, là một trong những người có mặt sớm nhất tại hội trường, dù bước đi khó nhọc vì đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhiều năm qua, ông vẫn miệt mài với công việc khám, chữa bệnh cho người dân tại quê nhà ở huyện Bắc Quang. Là một trong những bác sĩ đầu tiên đến với Hà Giang và nguyện ở lại gắn bó suốt đời với mảnh đất nghèo khó này; trong không khí ngày hội của ngành y, ông dặn dò thế hệ trẻ: “Là người thầy thuốc, phải luôn cố gắng phát huy trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải đặt chữ “Tâm” làm trọng, trung thực với bản thân, với người bệnh; hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để làm hết lương tâm của người thầy thuốc”.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng (đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là người đưa khoa học kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch; bản thân anh luôn ân cần, thăm hỏi, tận tâm với người bệnh; đã ghi nhớ lời dặn dò của bác sĩ Chấn, nguyện tiếp bước thế hệ đi trước, cống hiến hết mình cho ngành y tế tỉnh nhà.
Ở phía hàng ghế cuối, Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ Nguyễn Trần Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì chia sẻ: “Ngành y tế dự phòng luôn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, cán bộ y tế dự phòng các cấp là người tiếp xúc với mầm bệnh và bệnh nhân đầu tiên nên nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong ngăn ngừa và phòng, chống sự xâm nhập của các loại dịch bệnh, đối mặt với các dịch bệnh mới phát sinh nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, phát hiện, xử lý ổ dịch một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Cử nhân điều dưỡng Phạm Duy Đông, (Trạm Y tế xã Lũng Cú, Đồng Văn), là một trong những người được Thủ tướng tặng Bằng khen Thầy thuốc bám bản. Đã 15 năm gắn bó với mảnh đất vùng biên của Tổ quốc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, với trách nhiệm của mình anh đã góp phần đưa Lũng Cú trở thành điểm sáng về y tế thôn bản.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi, phía trong hội trường, không khí mỗi lúc càng ấm nóng hơn với sự chia sẻ, giao lưu của mọi người; những tràng pháo tay liên tục vang lên như là phần thưởng của người dân dành cho những cống hiến thầm lặng mà những cán bộ ngành y đang hàng ngày nỗ lực.
Màu áo đỏ của Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” Hà Giang nổi bật lên giữa những người có mặt trong hội trường, càng nổi bật và xúc động hơn khi chúng tôi nghe tâm sự của anh Nguyễn Công Định, Chủ nhiệm CLB: “Tôi đã 19 lần hiến máu, 5 lần hiến tiểu cầu, không chỉ hiến máu tại Hà Giang mà khi các bệnh viện ở Hà Nội cần, tôi cũng luôn sẵn sàng đi... cho máu. Vì thuộc nhóm máu hiếm nên có những lần người bệnh thiếu máu trầm trọng, tôi đã hiến đến 600 ml máu. Chi phí đi lại đều phải tự lo, nhưng không quản ngại khó khăn, mỗi giọt máu cho đi là thêm một cuộc đời ở lại. Tôi hạnh phúc vì điều đó”.
Mỗi người, một câu chuyện khác nhau, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, để chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho nhân dân.
Gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn nghe đâu đó những câu chuyện buồn trong ngành y, về y đức của những người được giao trách nhiệm cứu lấy sự sống cho người bệnh, nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta hãy có cái nhìn thật khách quan, hãy cảm nhận những giọt mồ hôi nhỏ trong đêm trực và cả ánh mắt tiếc nuối, bất lực của họ mỗi khi không cứu được người bệnh... như chia sẻ của anh Vũ Đức Việt, (người dân phường Minh Khai, TP Hà Giang), một người nhà của bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Mỗi lần vào chăm sóc người nhà, nhìn thấy cường độ làm việc của các bác sĩ, chứng kiến những ca cấp cứu trong đêm, có những bác sỹ sẵn sàng hiến máu để cứu bệnh nhân trong những trường hợp khẩn cấp, tôi nhìn thấy cả giọt nước mắt của một bác sỹ bước ra từ phòng cấp cứu... tôi hiểu, họ đang lặng thầm hi sinh, cứu người bằng cả trái tim và trách nhiệm của người thầy thuốc. Chúng ta hãy nhìn nhận ngành y tế bằng cái nhìn khách quan”.
Kết thúc buổi giao lưu, kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhiều người đã vinh dự cầm trên tay tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế và UBND tỉnh vì có nhiều thành tích xuất sắc và cống hiến cho ngành y tế tỉnh nhà. Thật khó để diễn tả được hết những cảm xúc lắng đọng lúc này, xin gửi lời tri ân đến những người đang ngày đêm chăm lo sức khỏe cho nhân dân; chúc cho họ luôn giữ được chữ “Tâm” trong sáng.
Ghi chép của Biện Luân
Ý kiến bạn đọc