Bệnh thoát vị đĩa đệm
BHG- Thoát vị đĩa đệm là bệnh khá phổ biến hiện nay và để lại nhiều hậu quả làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng và thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ.
Có thể hiểu thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống và có sự đứt rách vòng sợi gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình. Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống, hay nói cách khác nó là tình trạng đĩa đệm bị ép lồi ra khỏi vị trí bình thường, giữa các đốt sống.
Theo nguồn tài liệu từ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh: Hàng năm có khoảng từ 200 đến 300 bệnh nhân đến điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện. Có nhiều nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa, trong đó nguyên nhân đầu tiên gây thoát vị đĩa đệm là các chấn thương cột sống do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Thứ hai là thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hoá khớp, chệch khớp; Các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây bệnh. Bên cạnh đó, khi tuổi cao thường đĩa đệm không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách. Trên cơ sở đó nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống nhân nhày có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài chui vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau cột sống. Ngoài ra, cũng có thể do nguyên nhân di truyền nếu bố mẹ có đĩa đệm yếu do bất thường về cấu trúc thì con cái cũng dễ bị thoát vị đĩa đệm.
Để phòng bệnh ta cần:
- Đối với những người hay làm việc lâu với một tư thế như nhân viên văn phòng thì nên thay đổi tư thế để đảm bảo cho đĩa đệm giảm áp lực. Khi thấy bị đau nên nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc tắm nước nóng, tự xoa vuốt các khớp cổ, lưng, tay chân. Thường xuyên tập thể dục mỗi buổi sáng.
- Không làm, khiêng vật nặng quá sức mình vì trọng tải của cột sống, đĩa đệm có giới hạn nhất định.
- Không nên thay đổi tư thế đột ngột. Luôn giữ đúng tư thế đứng thẳng cho cột sống ở bất kì công việc nào kể cả mang vác, bưng bê, giặt giũ, bế trẻ em hay khi lái xe...
- Nên có chế độ làm việc hợp lí, điều hòa sự lao động phục hồi của đĩa đệm. Vì theo một số nghiên cứu cho rằng, đĩa đệm chỉ chịu trọng tải tối đa khoảng 2h và cần khoảng 15 đến 20 phút để phục hồi lại dịch đĩa đệm.
- Cần phải biết kết hợp làm việc và nghỉ ngơi xen kẽ để đĩa đệm được phục hồi kịp thời tránh tình trạng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm sau này.
- Đối với người bệnh đang điều trị thì bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tích cực rèn luyện để cơ thể khỏe mạnh, thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, nhất là phải giữ gìn tư thế cột sống đúng trong lao động, học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Thùy Dung (Trung tâm TT/GDSK)
Ý kiến bạn đọc