Về Bản Díu để cảm nhận mùa Xuân đang đến gần
BHG - Nằm ở lưng chừng núi Gia Long huyền thoại, có đỉnh cao trên 2.000 m là nơi sinh sống của 938 hộ dân xã Bản Díu (Xín Mần). Toàn xã có 5 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, La Chí anh em, trong đó đồng bào La Chí chiếm trên 63% dân số. Xã Bản Díu được biết đến như một điểm sáng về lao động sản xuất và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống để xây dựng quê hương.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Díu, Tẩn Văn Đức đưa tôi lên thôn Quán Thèn trên con đường còn mùi ngai ngái của đất mới vỡ. Vừa đi anh vừa khoe: Con đường lấy tên “Đại đoàn kết” này bắt đầu mở từ Ngam Lim đi qua Mào Phố về Chúng Chải dài 4,7 km. Khi mét đất cuối cùng được cuốc đi và nối liền 3 thôn lại với nhau cũng là lúc tờ lịch cuối cùng của năm 2015 được bóc hết. Con đường Đại đoàn kết này được huy động từ hàng ngàn ngày công lao động của đồng bào trong xã. Kèm theo đó là hàng chục ha đất đai, hoa màu của nhân dân dồn lại để mở đường. Không có đền bù, không cần tiền bồi thường đất và “không” công cả thời gian lao động miệt mài sớm trưa để con đường nối liền từ bản nọ sang bản kia “cập đích” đúng lúc mùa Xuân về.
Anh Đức cho biết: Trước khi mở đường Đại đoàn kết qua Ngam Lim, Mào Phố về Chúng Chải, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể trong xã phải mất khá nhiều thời gian, nhiều cuộc họp bàn với dân. Đứng trước khó khăn đồng bào đặt ra là đất dốc, người đông, làm được mét vuông ruộng bậc thang tại Bản Díu có khi mất cả đời người san ủi, bồi đắp, bón lót tạo mùn...; cây cối trong vườn thì mất công trồng cả chục năm ai muốn mất đi. Còn về phía chính quyền xã, gần như tất cả kinh phí hoạt động của bộ máy công quyền đều dựa vào sự chi trả của Nhà nước và nguồn thu địa phương chưa được là bao.
Sau khi họp bàn, vận động nhân dân, đã tìm được tiếng nói chung đó là: Nhân dân thì hiến đất, góp công sức. Còn phía chính quyền xã thì lo khảo sát, thiết kế và cung cấp thuốc nổ phá đá, mở đường. Nói thì dễ, làm được mới là khó. Để làm cho dân hiểu, dân đồng tình ủng hộ thì mỗi cán bộ, các đoàn thể trong xã đã tới từng hộ, từng thôn ngày này, qua tháng khác. Đảng ủy xã phát động cán bộ, đảng viên trong xã, trong thôn vừa nói, vừa làm, vừa đi trước đóng góp công sức, góp tiền của, hiến đất, hiến hoa màu làm đường về bản. Cán bộ, đảng viên vừa làm, vừa giải thích cho đồng bào thấy được lợi ích lâu dài cho thôn, cho xã.
Dừng chân tại làng nghề rèn công cụ phục vụ sản xuất ở thôn Quán Thèn, ông Long Văn Đường, một lão luyện rèn đúc trong thôn cho biết: Làm được con đường vành đai trên là công của toàn dân Bản Díu góp lại lớn lắm đấy. Bây giờ, đường đã xong nối liền 3 thôn: Ngam Lim, Mào Phố, Chúng Chải đã làm lưng núi Gia Long bừng thức dậy. Tiếng trẻ em gọi nhau mỗi sớm đến trường tưởng như rộn rã hơn lên. Tiếng xe máy, tiếng ô-tô vận chuyển hàng nông sản xuôi ngược về bản làm cho nhịp sống ngày nhộn nhịp hơn. Nông sản làm ra thì được giá bán, còn hàng tiêu dùng mua về rẻ hơn trước. Làng nghề truyền thống Quán Thèn lửa rèn trong các bễ mỗi nhà tưởng như “đượm” hơn xưa.
Con đường Đại đoàn kết làm từ “công, của” của đồng bào Bản Díu đang làm nóng lên tinh thần đoàn kết trong dịp đầu năm mới. Nói về nghề rèn công cụ truyền thống ở Quán Thèn, ông Long Văn Đường kể lại: Vào thời Vua Gia Long lên núi đi quan sát địa thế chiến lược trong vùng đã dừng chân nghỉ tại nơi này. Trong lúc dừng chân, Vua nói với các thủ lĩnh trong bản nơi đây có vị trí chiến lược đặc biệt chấn giữ cho vùng biên ải. Do vậy, người dân phải đồng tâm, hiệp lực cùng nhau xây dựng nghề rèn đúc binh khí, công cụ. Trước là để giữ nhà, sau là để tăng gia sản xuất tự túc lương thảo làm cho yên dân và nuôi quân.
Cái tên Quán Thèn, dịch theo phiên nghĩa địa phương còn gọi là “Quán Vua”. Ngày nay, người dân trong huyện Xín Mần vẫn cứ đổ về xã Bản Díu, lên Quán Thèn mua sắm công cụ sản xuất trong mỗi mùa trồng cấy. Công cụ do người Quán Thèn làm ra vừa sắc, vừa chắc, vừa bền lại vừa dễ làm và cho năng suất lao động cao. Lưỡi cày đúc từ Quán Thèn có thể cày trên đất dốc, cày trên đất đá và cũng có thể dễ dàng cày trên đất ruộng có diện tích lớn, bằng phẳng. Còn lưỡi cày các nơi khác đem về lại không có khả năng hoàn hảo nêu trên. Năm 2013, UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Quán Thèn là “Làng nghề truyền thống độc đáo ngay trên đỉnh Gia long”. Tại đây, mỗi năm Quán Thèn cung cấp cho đồng bào trong vùng từ 5.500 – 7.000 công cụ sản xuất lớn nhỏ khác nhau. Mỗi con dao, cái cuốc, lưỡi cày do người Quán Thèn làm ra đã có mặt ở từng gia đình trong cộng đồng các dân tộc huyện Xín Mần và tạo ra mối gắn kết vào nhau.
Bên cạnh nghề truyền thống, thanh niên Bản Díu hiện nay đang đua nhau học nghề xây dựng. Những con đường bê tông, con mương dẫn nước tưới trong xã được Nhà nước hỗ trợ xi măng đều do nhân dân tự làm lấy. Bây giờ là phong trào “Làm nhà cho nhau” theo thể thức đổi công. Phong trào hiện đang lan rộng khắp các thôn bản. Kết quả, đã có 120 nhà xây kiên cố 2 tầng trở lên (chưa tính nhà cấp 4) do thanh niên tự học, tự đổi nhau làm. Xã Bản Díu được đánh giá là xã có số nhà xây kiên cố lớn nhất, nhiều nhất 19 xã, thị trấn của huyện Xín Mần.
Điểm lại kết quả phấn đấu năm qua ở Bản Díu, nhận thấy phong trào xây dựng Nông thôn mới đang tiến dần về đích. Trong năm, đã có thêm 126 hộ hoàn thành mục tiêu xây dựng “Nhà sạch – Vườn đẹp”. Sản xuất trong nông nghiệp được sắp xếp lại theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi ngày càng rõ nét. Tổng đàn gia súc hiện nay có 6.918 con, chủ yếu là trâu, bò, dê và lợn đen. Đồng bào đang tăng diện tích trồng cỏ 126 ha/năm để chăn nuôi gia súc. Cây lúa vụ mùa vừa qua chỉ còn 190 ha, trồng ngô 115 ha, đậu tương 146 ha, lạc 23 ha... Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 13 triệu đồng/người. Đảng ủy xã Bản Díu xác định: Trồng cây lương thực bây giờ chỉ cần đảm bảo an ninh là đủ. Còn lại, tăng diện tích trồng cỏ chăn nuôi và trồng rừng để giữ đất, lấy nước và bảo vệ môi trường, nuôi ong lấy mật.
Rời Bản Díu, đất mới đã cày lên phơi ải, không gian thoang thoảng hương rừng, những cánh đào Phai khoe sắc dưới ánh nắng hồng... Đó là sắc thái và hơi thở mùa Xuân mới đang ngập tràn bao la.
Ng. Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc