Người dân Lùng Càng và Khâu Lừa xã Minh Ngọc vui mừng có cây cầu treo mới
BHG - Những ngày này, người dân thôn Lùng Càng và thôn Khâu Lừa xã Minh Ngọc (Bắc Mê) đang vui mừng, phấn khởi bởi cây cầu treo thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh và đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cây cầu treo được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại sự thuận tiện cho học sinh và đáp ứng được sự mong đợi của người dân địa phương.
Người dân thôn Lùng Càng và thôn Khâu Lừa, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) vui mừng vì được đi trên cây cầu treo mới. |
Công trình cầu treo thôn Lùng Càng nằm trong dự án xây dựng 9 cầu treo dân sinh do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư mong muốn đem lại niềm vui cho các em nhỏ và nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Cây cầu chính là con đường huyết mạch nối liền giữa thôn Lùng Càng và thôn Khâu Lừa ra trung tâm xã Minh Ngọc. Trước đây, để vào thôn Lùng Càng và thôn Khâu Lừa bà con ở đây không có cách nào khác là phải vượt qua con suối, học sinh thôn Khâu Lừa phải dậy từ sáng sớm lội qua con suối để đến điểm trường thôn Lùng Càng đi học. Điểm trường cách thôn không xa, tuy nhiên vào mùa mưa lũ giao thông ở đây đôi lúc cũng bị chia cắt. Mùa khô bà con có thể qua suối bằng nhiều cách khác nhau, nhưng vào mùa mưa, đặc biệt là những ngày mưa to thì cả thôn không thể đi xe máy qua suối được, đều phải gửi nhờ các hộ bên kia suối. Học sinh đến trường bố mẹ phải cõng qua suối, hôm nào mưa to, nước suối dâng cao thì các em không thể đến trường, đành phải nghỉ học. Trong thôn có 100% là đồng bào dân tộc, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất nhiều khi bị chậm thời vụ do phải chờ đợi nước lũ rút mới qua suối để cày cấy, các sản phẩm của bà con làm ra thường phải bán với giá thấp hơn thị trường do giao thông đi lại khó khăn, chính vì vậy mà tỷ lệ hộ nghèo trong thôn vẫn còn ở mức cao, chiếm trên 50%. Đã bao thế hệ người dân ở đây luôn mong ước có một cây cầu bắc qua suối để việc sản xuất, sinh hoạt và nhất là việc học tập của con em trong thôn được thuận lợi. Năm 2014, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; cây cầu treo thôn Lùng Càng được khởi công xây dựng vào tháng 11.2014. Đến nay, cầu treo Lùng Càng được đưa vào sử dụng từ tháng 1.2015 với chiều rộng 1,5m, chiều dài 60m. Ước mơ bao đời của đồng bào trong thôn đã thành hiện thực. Nhờ có cây cầu mới mà 133 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thể đi lại thuận tiện hơn, cây cầu hoàn thành góp phần thúc đẩy việc sản xuất và thông thương hàng hóa, giúp nhân dân dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm làm ra, thúc đẩy KT-XH của thôn từng bước phát triển, đồng thời còn giúp cho các em học sinh trong thôn đến trường an toàn, không còn lo phải nghỉ học vì mưa, lũ. Đặc biệt, giờ đây rất nhiều em nhỏ thôn Lùng Càng và Khâu Lừa đã có thể tự đi học mà không cần bố mẹ đưa qua suối.
Có thể thấy, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu treo thôn Lùng Càng và Khâu Lừa xã Minh Ngọc không chỉ giải quyết khó khăn về giao thông của người dân nơi đây, mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước tới đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Em Giàng Thị Hồng, học sinh lớp 1A điểm trường Lùng Càng xã Minh Ngọc chia sẻ: Từ khi có cây cầu, em đi học dễ dàng hơn, không phải lội qua suối để đến trường nữa, các bạn cũng đến trường đông, đủ hơn. Ông Thào Đức Thính, Trưởng thôn Lùng Càng cho biết: Từ khi có cây cầu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường đầy đủ và an toàn hơn, các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn; đặc biệt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho 2 thôn Lùng Càng và Khâu Lừa giao lưu, trao đổi hàng hóa thuận tiện tại trung tâm chợ thôn. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong thôn đi lại phải giữ gìn và bảo vệ cây cầu để được sử dụng lâu dài. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc (Bắc Mê) bầy tỏ: Khi cây cầu bắt đầu được sử dụng, người dân đi lại dễ dàng, đặc biệt là các em học sinh. Người dân xã Minh Ngọc mong muốn rằng, các cấp, các ngành, đặc biệt Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có những dự án đầu tư để cho nhân dân phát triển kinh tế tốt hơn, các em học sinh ở các bản làng xa xôi được đến trường thuận lợi.
Có cây cầu đi lại thuận tiện, nhiều hộ đã mua sắm các phương tiện giao thông để đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vui mừng trước sự quan tâm của Nhà nước, đồng bào dân tộc nơi đây đang tích cực cùng nhau thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hy vọng tương lai không xa, trong thôn sẽ không còn hộ nghèo, cuộc sống của nhân dân trở nên khá giả, sung túc.
Văn Quân
Ý kiến bạn đọc