Khai thác hiệu quả nguồn nước khoáng tự nhiên
(Xuân 2016) - Là một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Hà Giang hiện có quy mô 80 giường bệnh; 74 cán bộ, y, bác sĩ; 4 phòng chức năng và 10 khoa lâm sàng, cận lâm sàng. Sau 5 năm đi vào hoạt động, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ thầy thuốc đã nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao y đức, hết lòng phục vụ nhân dân.
Điều trị khớp gối bằng phương pháp điện sung. |
Bệnh viện có 2 cơ sở, trong đó khu A là khu hành chính và khám, chữa bệnh chung. Khu B nằm ở khu nước suối khoáng nóng Quảng Ngần, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) tổ chức thủy trị liệu, an dưỡng và dịch vụ tắm khoáng cho các đối tượng khác có nhu cầu. Năm 2015, bệnh viện tổ chức khám và điều trị cho 4.365 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt 70,9%. Đối tượng chủ yếu là các bệnh nhân bị bệnh về thần kinh, cơ – xương - khớp như: Đau thần kinh tọa, thoái hóa khớp, cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, di chứng liệt nửa người, sau chấn thương chỉnh hình,... Ngoài ra, bệnh viện đã tổ chức dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đưa ra thị trường để tận dụng tiềm năng và ưu thế của nguồn nước khoáng tự nhiên.
Để đạt được hiệu quả cao trong công tác KCB, bệnh viện đã tập trung củng cố, hoàn thiện về tổ chức và nhân lực, cử các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi học tập, bồi dưỡng kiến thức tại các tuyến. Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng, các phương tiện cận lâm sàng được sử dụng hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị. Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, trong năm có 1 sáng kiến cấp tỉnh, 5 đề tài nghiên cứu khoa học của các tập thể và cá nhân có giá trị ứng dụng cao, đã được Hội đồng khoa học Sở Y tế nghiệm thu.
Thăm khám bệnh nhân tai - mũi - họng bằng máy siêu âm. |
Điều đáng ghi nhận là hầu hết người bệnh đều hài lòng về tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc nơi đây, cảm nhận được bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe được nâng lên với các kỹ thuật PHCN hiện đại như: Vi sóng, sóng xung kích, siêu âm điều trị điện xung, laze điều trị, kéo nắn tác động cột sống... Xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp của bệnh viện đã sản xuất và cung cấp hơn 40 chân, tay giả cho người mất chi được các cá nhân và tổ chức đánh giá rất cao về khả năng đáp ứng dịch vụ.
Tuy nhiên, bệnh viện vẫn còn một số khó khăn, hạ tầng cơ sở đã xuống cấp, không phù hợp với mô hình và yêu cầu của bệnh viện do ngân sách nhà nước cấp dành cho sửa chữa cải tạo hạn hẹp. Chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng. Hai khu của bệnh viện cách xa nhau, lại xa trung tâm nên ảnh hưởng lớn đến việc bố trí, quản lý nhân lực, đầu tư cải tạo cũng như thu dung người bệnh điều trị nội trú.
Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, Bệnh viện PHCN tỉnh Hà Giang xác định: tập trung phát triển mạng lưới PHCN thống nhất trong toàn tỉnh nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác PHCN, đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Quy hoạch, nâng cao chất lượng bệnh viện và thực hiện mở rộng các loại hình dịch vụ, kết hợp hoạt động khám, chữa bệnh PHCN với du lịch, huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.
Nguyễn Thị Hải Yến (Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng)
Ý kiến bạn đọc