Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
BHG- Trong vòng 5 năm 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có hơn 81 nghìn lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề, gần 72 nghìn người được hỗ trợ học nghề; 58 nghìn LĐNT có việc làm sau học nghề, trong đó 1.497 người được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp, trên 1 nghìn lao động (LĐ) được bao tiêu sản phẩm, trên 1 nghìn người thành lập tổ sản xuất, HTX và 54.534 người tự tạo việc làm.
Anh Hoàng Văn Hoàng, thôn Hạ xã Vĩ Thượng (Quang Bình) vừa học xong lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc, cách thức phòng, trị bệnh do Trung tâm dạy nghề huyện Quang Bình tổ chức ngay tại xã. Trong quá trình học, anh được giảng viên truyền dạy kiến thức cơ bản về chăn nuôi sao cho con lợn, con trâu, con gà nhanh lớn, sinh sản nhiều và làm sao để nó không bị dịch, bệnh. Việc học nghề được người dân tiếp thu, áp dụng hiệu quả vào thực tế, bởi ngoài giáo trình biên soạn, rút gọn, phù hợp nhận thức còn thực hành ngay trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi hàng ngày của gia đình. Anh Hoàng cho biết: Trước đây, gia đình cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhưng không có kiến thức nên vẫn chủ yếu mang tính tự sản, tự tiêu, ít có sản phẩm đưa ra thị trường. Nhiều khi con lợn, con gà bị bệnh cũng không biết cách điều trị nên hiệu quả từ chăn nuôi chưa cao. Tham gia lớp đào tạo, anh được học kiến thức cơ bản về chăn nuôi nên tư duy đã thay đổi, có kiến thức, anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, áp dụng chặt chẽ quy trình phòng, trị bệnh nên năng suất, sản lượng tăng lên, thu nhập từ đàn gia súc, gia cầm đang giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định.
Sau đào tạo, nhiều LĐNT ở Vị Xuyên có việc làm thông qua các dự án triển khai trên địa bàn huyện. Trong ảnh: Lao động nông thôn tham gia làm đường Cao Bồ - Đạo Đức (Vị Xuyên). |
Cũng tham gia học nghề nông thôn, nhóm chị em phụ nữ thị trấn Yên Bình (Quang Bình) rất hào hứng với kỹ thuật trồng trọt. Tham gia học, chị em được giảng viên truyền dạy lý thuyết kết hợp thực hành trồng rau xanh theo hướng VietGap tại vườn ươm của trung tâm nên họ nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật về trồng rau sạch. Chị Phàn Thị Đài, học viên học lớp đào tạo nghề nông thôn cho biết, khi kết thúc khóa học sẽ vận dụng những kiến thức được trang bị, cải tạo lại ruộng vườn trồng rau sạch, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Cũng nhằm mục tiêu đào tạo nghề cho LĐNT, năm 2012 Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) được thành lập. Đối tượng của Trung tâm gồm những nông dân cao tuổi, họ được đào tạo nghề nông thôn và hỗ trợ phát triển sản phẩm, ngành nghề từ kiến thức được học. Từ khi thành lập đến nay, đã có 2.350 LĐNT được đào tạo nghề, trong đó 75% học nghề phi nông nghiệp đã tạo được việc làm, 95% nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức vào sản xuất, kinh doanh của gia đình, góp phần nâng cao chất lượng, sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cho biết: Việc đào tạo nghề cho nông dân dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu thực tế nên đã phát huy hiệu quả. Sau học nghề, bà con nông dân đã biết áp dụng những kiến thức mới, thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch nên năng suất, sản lượng tăng lên. Đối với những nghề phi nông nghiệp như sản xuất chổi chít, nấu rượu... sản phẩm làm ra chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, đầu ra ổn định, giá cả được nâng lên, nguồn thu nhập của người dân cũng tăng hơn trước.
Những năm gần đây, việc đào tạo nghề cho LĐNT được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta phấn đấu đào tạo nghề cho 75 nghìn người, trong đó có 67,5 nghìn LĐNT đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng; khoảng 55% LĐNT được học nghề nông nghiệp, tương đương 37.125 người, 45% học nghề phi nông nghiệp, tương đương 30.375 người; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 60%; phấn đấu hết năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 36%. Thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về dạy nghề; UBND tỉnh ban hành đề án, kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, quy chế hoạt động và các văn bản hướng dẫn nên đã giúp công tác đào tạo nghề thu được kết quả tốt.
Triển khai đào tạo nghề cho LĐNT, ngành chức năng của tỉnh đã điều tra, khảo sát và xác định rõ số lượng, ngành nghề, thời gian học để xây dựng kế hoạch sát với nhu cầu sử dụng LĐ của từng vùng, từng địa phương. Qua đó, nhiều mô hình đào tạo, liên kết đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả như việc liên kết giữa Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề với Trung tâm Dạy nghề huyện Vị Xuyên tổ chức đào tạo kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản chè sau thu hoạch cho 70 học viên. Sau đào tạo, 100% học viên có việc làm mới, làm thêm, có thu nhập ổn định bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các mô hình như kỹ thuật xây dựng dân dụng, trồng rau an toàn, sản xuất và kinh doanh rượu, thêu các sản phẩm từ vải thổ cẩm của người Lô Lô, đan lát thủ công, kỹ thuật cắt may cho người khuyết tật, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, trồng dược liệu gắn với giải quyết việc làm... đã giúp LĐNT định hướng đúng công việc, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn.
Các ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu thực tế, hình thức tổ chức linh hoạt, thời gian hợp lý đã thu hút nhiều lao động tham gia. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có trên 81 nghìn LĐNT được học nghề, gần 72 nghìn người được hỗ trợ học nghề; số LĐNT có việc làm sau học nghề trên 58 nghìn người, trong đó được doanh nghiệp tuyển dụng 1.497 người, được bao tiêu sản phẩm trên 1 nghìn người và 54.534 người tự tạo việc làm, trên 1 nghìn người thành lập tổ sản xuất, HTX. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến hết năm 2015 tăng lên trên 37%, vượt kế hoạch.
Từ những kết quả đạt được, tỉnh ta phấn đấu giai đoạn 2016-2020 sẽ đào tạo nghề cho 61 nghìn người, trong đó trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 55 nghìn LĐNT; khoảng 58% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp, 42% LĐNT được học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%.
Bài, ảnh: Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc