Khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Yên Minh

08:25, 24/12/2015

BHG- Đền bù giải phóng mặt bằng trong xây dựng các công trình Nhà nước phải sử dụng diện tích đất của nhân dân luôn là nhiệm vụ đầu tiên trước khi triển khai thi công công trình. Điều này, giúp người dân bị mất đất yên tâm bàn giao mặt bằng “sạch”, tránh sự phản đối, khiếu kiện, kiến nghị làm cho tiến độ thi công bị trì hoãn, ảnh hưởng đến đời sống người dân và địa phương... Tuy nhiên, ở huyện Yên Minh, có một số công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện và các công trình đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương sử dụng nhưng vẫn chưa chi trả xong đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) cho nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Minh, 2 công trình: Kè suối Nà Đồng, thị trấn Yên Minh và công trình nâng cấp tuyến đường Đường Thượng – Thái An (do Sở nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư) dù đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa giải quyết xong ĐBGPMB cho một số hộ dân. 2 công trình khác là Công trình nâng cấp, cải tạo tuyến đường Đông Minh – Bó Mới (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng) và công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường thị trấn Yên Minh đi xã Ngam La (đang trong thời gian hoàn hoàn thiện) do huyện Yên Minh làm chủ đầu tư cũng chưa đền bù đủ cho người dân.

Công trình kè suối Nà Đồng đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý nhưng vẫn chưa chi trả hết tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.
Công trình kè suối Nà Đồng đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý nhưng vẫn chưa chi trả hết tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.

Qua trao đổi với Hội đồng ĐBGPMB và Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Yên Minh, được biết: Số hộ dân bị mất đất do thi công các công trình này là trên 200 hộ ở 3 địa phương: Thị trấn Yên Minh, xã Đông Minh và Đường Thượng với tổng số tiền phải đền bù là trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn gần 2 tỷ đồng tiền đền bù chưa được thanh toán cho người dân. Trong đó, 2 công trình do Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư còn thiếu gần 400 triệu đồng và 2 công trình do huyện Yên Minh còn thiếu trên 1 tỷ đồng.

Nói về vấn đề này, đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, Chủ tịch Hội đồng ĐBGPMB huyện cho biết: Hiện nay, với những công trình do huyện Yên Minh làm chủ đầu tư, dù đã hoàn thành hay chưa hoàn thành, công tác ĐBGPMB luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát, giải quyết ổn thỏa, không để người dân gửi đơn thư kiến nghị. Tuy nhiên do một số lý do khách quan, số kinh phí đền bù 2 tuyến đường nêu trên hiện đã được đưa vào dự kiến chi trả trong năm 2016, chúng tôi đã tiếp xúc cử tri để thông tin cho người dân biết và được người dân chấp nhận. Riêng 2 công trình do Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư, trong quá trình thi công, do có sự thay đổi về thiết kế so với ban đầu nên phần điều chỉnh chưa được đền bù dù công trình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều năm qua. Số kinh phí đền bù này phải chờ tỉnh cấp huyện mới có thể chi trả cho người dân.

Theo tìm hiểu và thông tin của các cơ quan thành viên Hội đồng ĐBGPMB bằng huyện Yên Minh cho biết: Dù công trình do tỉnh hay huyện làm chủ đầu tư thì nguyên nhân của việc chưa hoàn thành đền bù cho người dân chủ yếu là do nguồn vốn giải ngân ít, không đủ tri chả cho đơn vị thi công nên không hoàn thành được việc ĐBGPMB cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện dự án, hàng năm, chủ đầu tư các công trình không để ý đến việc đăng ký bố trí nguồn vốn cho công tác đền bù, số vốn giải ngân thường được dành để chi trả cho tiến độ thi công của nhà thầu. Một nguyên nhân nữa, để hoàn thành các công trình đúng tiến độ, kế hoạch được giao, chủ đầu tư thường vận động nhân dân cho thi công trước đền bù sau, khiến phát sinh các vấn đề liên quan như không đồng ý với dự kiến kinh phí đền bù ban đầu và không đạt được thỏa thuận với Hội đồng đền bù... dẫn đến kéo dài thời gian chi trả.

Được biết, với những công trình xây dựng ở Yên Minh còn chưa hoàn thành đền bù cho người dân, đã có một số bài viết phản ánh ý kiến, kiến nghị bức xúc của cử tri về vấn đề này trên Báo Hà Giang. Đa phần các công trình trên đều đã hoàn thành nhiều năm hoặc sắp hoàn thành, người dân mong mỏi tiền đền bù nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Vì vậy, chủ đầu tư các công trình cần có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí đền bù sớm cho người dân trong thời gian tới, tránh để kéo dài phát sinh thêm bức xúc trong nhân dân dẫn đến đơn thư, khiếu kiện...

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì chung tay vì người nghèo

BHG- Trong những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" với nhiều nội dung, hình thức phong phú để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo về nhà ở, sản xuất, học hành, khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác vận động xây dựng "Quỹ vì người nghèo" và hỗ trợ làm nhà ở, qua đó có hàng trăm hộ nghèo được sống trong những ngôi nhà "Ðại đoàn kết" ấm cúng, đời sống cải thiện, vui xuân đón tết với niềm hạnh phúc sum vầy.

23/12/2015
Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Mê: "Tiếp sức" cho hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống

BHG- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Mê luôn xác định thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ chị em hội viên lao động sản xuất có hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình, XĐGN là nhiệm vụ trọng tâm. 

23/12/2015
Giữ lại những cây Nghiến cổ thụ trên rừng đặc dụng Phong Quang

BHG- Khu rừng đặc dụng (RĐD) Phong Quang có diện tích gần 9 nghìn ha, chủ yếu núi đá hiểm trở, địa hình chia cắt mạnh, trải dài khoảng 20 km từ phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) đến thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) và tiếp giáp xã Tả Ván (Quản Bạ). 

22/12/2015
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với lãnh đạo huyện Mèo Vạc về tình hình khai thác lâm sản trái phép

BHG- Chiều 19.12, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Mèo Vạc nhằm nắm bắt tình hình khai thác lâm sản trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, huyện Mèo Vạc. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

21/12/2015