Hiệu quả từ một dự án
BHG- Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Hà (Quang Bình), tôi đã thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn của quê hương mình. Yên Hà vốn là vùng đồi đất phì nhiêu nhưng nhiều khe, suối chảy qua nên quê tôi đã không ít lần phải đối mặt với những cơn lũ khi mùa mưa về. Cuộc sống vốn tươi đẹp là thế, con người vốn cần cù là thế, nhưng đâu đó những con người, những gia đình vì thiên tai mà mất đi người thân, mất đi mùa màng. Nhìn những vườn cam hôm qua còn xanh tươi báo hiệu một mùa bội thu, một mùa no ấm, thế mà hôm sau, chỉ sau một trận mưa, nước suối cuồn cuộn kéo về đã xóa sạch tất cả làm người dân mất đi nguồn sống, nguồn thu nhập, đối mặt với món nợ vay vốn sản xuất của ngân hàng chính sách. Rồi những cây cầu tạm bằng tre, nứa bắc qua suối do nhân dân tự làm, cứ sau một mùa mưa lại không còn dấu vết. Dòng suối hiền hòa chảy qua thôn xóm bỗng trở nên hung dữ lạ thường, cuốn trôi tất cả những gì xung quanh nó, cho dù là nhà cửa cây cối hay con người. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chưa thực sự quan tâm tới việc vệ sinh môi trường, vì thế mà nhiều dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bà con.
Người dân xã Yên Hà (Quang Bình) tích cực tham gia dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa, thiên tai”. |
Từ ngày có Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa, thiên tai” do Hội Chữ thập đỏ Na Uy, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ (thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang) về xã, nhận thức của nhân dân quê tôi thay đổi hẳn, bộ mặt nhiều thôn trong xã như được thay áo mới. Qua 7 lần họp thôn, 5 lớp tập huấn, 2 cuộc hội thảo, 1 đợt diễn tập đã có trên 1.000 người dân và 25 tình nguyện viên trong thôn, xã được trang bị kiến thức, kỹ năng về giới và người khuyết tật; về phòng ngừa, ứng phó thảm họa, vệ sinh nước sạch, môi trường… Nhân dân tự giác thực hiện đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, ra xa nhà để đảm bảo vệ sinh cho gia đình. Đường làng, ngõ xóm, bờ suối, cầu ao không còn rác vương vãi. Người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật được khám chữa bệnh, phát thuốc, nhận quà miễn phí, hơn nữa là được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh tật. Niềm vui, niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt khắc khổ của mỗi người lúc nhận quà, nhận thuốc, trước lời tư vấn hướng dẫn của các bác sỹ trẻ. Những thanh niên trẻ khỏe như tôi thì hô hào nhau tích cực lao động tham gia đào đất, khuân đá đắp đập ngăn dòng suối dữ.
Dự án “Giảm thiểu rủi ro thảm họa, thiên tai” như làn gió mới, mang đến sự đổi thay cho quê hương tôi từ diện mạo đến nhận thức của mỗi người về vệ sinh môi trường, hạn chế những rủi ro trước thiên tai, thảm họa. Một mùa xuân mới đang về, cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đang đến trên quê hương tôi khi đã quẳng được gánh lo về tính mạng, tài sản mà thiên tai hằng cướp đi trong bao năm qua. Riêng tôi, mùa thanh xuân lại về, tôi thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để cống hiến sức trẻ cho quê hương.
Chẳng Thị Hạnh (xã Yên Hà, huyện Quang Bình)
Ý kiến bạn đọc