Giữ lại những cây Nghiến cổ thụ trên rừng đặc dụng Phong Quang
BHG- Khu rừng đặc dụng (RĐD) Phong Quang có diện tích gần 9 nghìn ha, chủ yếu núi đá hiểm trở, địa hình chia cắt mạnh, trải dài khoảng 20 km từ phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) đến thôn Mã Hoàng Phìn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) và tiếp giáp xã Tả Ván (Quản Bạ). RĐD Phong Quang còn được bao bọc bởi tuyến Quốc lộ 4C, sông Lô và khoảng 7,km đường biên giới Việt - Trung kéo dài từ xã Thanh Thủy đến Minh Tân với 70% diện tích thuộc khu vực biên giới. Trong vùng lõi RĐD Phong Quang có hoạt động sinh sống, canh tác trực tiếp của người dân 4 thôn, bản và hàng trăm hộ dân thuộc 27 thôn sinh sống tiếp giáp. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, diện tích RĐD Phong Quang không lớn, lại có một lực lượng hùng hậu canh gác, nhưng do địa hình phức tạp và có sự sinh sống của người dân nên nhiều năm trước, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra hết sức... “nóng”.
Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra trên RĐD Phong Quang chủ yếu với hành động chặt hạ những cây gỗ Nghiến cổ thụ, đường kính từ 80 cm trở lên. Các đối tượng thường sử dụng cưa xăng chặt đổ cây gỗ Nghiến, cắt khúc, đẽo tròn dạng thớt, vận chuyển theo đường mòn ra khỏi rừng, mang sang bên kia biên giới tiêu thụ hoặc bán trong nội địa. Từ cuối năm 2010, việc khai thác, vận chuyển lâm sản tại RĐD bùng phát mạnh, trở thành điểm nóng, với nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra liên tiếp, đã xâm hại nghiêm trọng đến diện tích rừng. Việc khai thác diễn ra công khai, số lượng người tham gia lớn, sử dụng gia súc, phương tiện vận chuyển theo các đường mòn, có sự tổ chức chuyên nghiệp, thường cắt cử người theo dõi, bám theo lực lượng chức năng và rất manh động, sẵn sàng tấn công khi bị phát hiện, ngăn cản.
Nhằm giữ những cây Nghiến còn sót lại trên rừng, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp mạnh đấu tranh, ngăn chặn, thậm chí máu của lực lượng chức năng đã đổ trong cuộc chiến giữ rừng. Tại thời điểm bùng phát nạn chặt phá rừng, huyện Vị Xuyên đã thành lập 4 Tổ liên ngành, tăng cường 6 chiến sỹ Biên phòng, 27 chiến sỹ Công an tham gia chốt chặt, bảo vệ các điểm nóng; tại các thôn, bản xã Minh Tân đã thành lập 9 tổ tự quản bảo vệ rừng. Đồng thời, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang được cấp thêm kinh phí chi trả tiền khoán bảo vệ rừng cho các thôn bản... nên tình trạng khai thác đã giảm dần, không còn hình thành các điểm phức tạp. Tuy nhiên, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của người dân các thôn, bản sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm RĐD Phong Quang do Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức mới đây, nhiều trưởng thôn, bản phản ánh: Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản tuy không diễn ra công khai, manh động, không tạo thành điểm nóng, nhưng nó vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ một chút chủ quan, đặc biệt trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán thì rất dễ bùng phát trở lại.
Đến với hội nghị, các ông Tẩn Tờ Rèn, Trưởng thôn Tân Sơn; Dương Chỉn Thắng, Trưởng thôn Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân)... cùng nhiều cán bộ Kiểm lâm khẳng định, nguồn lợi thu được từ việc buôn bán gỗ nghiến trái phép rất lớn, cao hơn rất nhiều mức thu nhập bình quân của người dân trong khu vực. Chính vì vậy, mặc dù công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết triển khai đến từng gia đình; công tác tuần tra, kiểm tra rừng, chốt chặn các tụ điểm khai thác, vận chuyển lâm sản của lực lượng chức năng được tổ chức thường xuyên, nhưng người dân sống trong vùng lõi và khu vực giáp ranh vẫn lén lút vào rừng khai thác, hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Không những vậy, một bộ phận người dân sinh sống trên địa bàn không hợp tác với lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng, cũng như công tác đấu tranh, điều tra, xác minh đối tượng vi phạm do sợ bị trả thù. Sự việc xảy ra thời gian qua cũng do ở một số thời điểm, lực lượng chức năng quá mỏng nên không thể kiểm soát tình hình. Đặc biệt, với những vụ việc vi phạm có số đông người tham gia, có hành vi thách thức, chống đối thì lực lượng thi hành công vụ không đủ mạnh để trấn áp.
Ngoài những nguyên nhân trên, người dân đến từ các thôn, bản, lực lượng Kiểm lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận: Một số cán bộ thi hành công vụ chưa thực sự tận tụy với công việc được giao, thậm chí có hành vi trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho lâm tặc, gây mất niềm tin của nhân dân; nhận thức của chính quyền cơ sở, có lúc, có nơi chưa đầy đủ nên đã buông xuôi vai trò, trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện thiếu nghiêm túc, ở những điểm nóng phá rừng, cán bộ xã, đại biểu HĐND còn tham gia trực tiếp hoặc tiếp tay cho hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; hệ thống chính trị, đoàn thể ở thôn, bản chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy không phát huy vai trò đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, thậm chí có đồng chí Bí thư Chi bộ thôn cũng tham gia vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, kinh phí giao khoán, bảo vệ rừng tại khu vực RĐD Phong Quang thấp, chỉ đạt 100 nghìn đồng/ha nên không tạo được thu nhập đáng kể cho người dân nhận bảo vệ rừng.
Từ thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm và BQL RĐD Phong Quang phối hợp soạn thảo Phương án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với xây dựng Nông thôn mới tại khu RĐD Phong Quang, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi hoàn thiện, trình UBND tỉnh ký ban hành. Phương án được xây dựng với mục tiêu, thiết lập công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững toàn bộ diện tích RĐD Phong Quang trên cơ sở bảo vệ vững chắc vốn rừng tự nhiên hiện có, phát triển tài nguyên rừng, nâng cao chất lượng rừng; gắn bảo vệ, phát triển rừng với công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường sinh thái, góp phần tạo công ăn, việc làm, XĐGN, nâng cao đời sống người dân các xã Phong Quang, Minh Tân, Thanh Thủy và Thuận Hòa.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, giải pháp được đưa ra là đổi mới công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng cường và cụ thể hóa trách nhiệm của các đơn vị, chính quyền cơ sở, phát huy tối đa các nguồn lực, khắc phục những hạn chế, đồng thời bổ sung giải pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế. Trước mắt, tiến hành rà soát các thôn trọng tâm, trọng điểm, đối tượng có hành vi khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chủ động phối hợp với chính quyền các xã, lập danh sách, khoanh vùng đối tượng nghi vấn, liên quan đến hành vi vi phạm, từ đó xây dựng các biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Từ năm tới, phải đổi mới hình thức khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; rà soát diện tích rừng chưa có chủ quản lý, diện tích gần các hộ dân nên giao cho gia đình, nhóm hộ nhận khoán bằng văn bản, hợp đồng cụ thể về số lượng cây, loài cây; những diện tích rừng xa khu dân cư nên khoán cho cộng đồng thôn, bản...
Hy vọng, việc triển khai phương án sẽ có tác động quan trọng, giữ được những cây gỗ cổ thụ, quý hiếm còn sót lại ít ỏi trên RĐD Phong Quang.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc