"Bà đỡ" của hộ nghèo
BHG- Với mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Quang đã trở thành “bà đỡ” tạo đà cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.Năm 2015, được đánh giá là năm Ngân hàng CSXH Bắc Quang tiếp tục đối mặt với những thách thức về vấn đề vay vốn, sự thay đổi trong suy nghĩ, cuộc sống của người nghèo. Nợ quá hạn tuy có giảm nhưng vẫn còn cao so với Nghị quyết Ban đại diện, lãi tồn đọng, nợ xâm tiêu vẫn còn...
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp trên, sự đoàn kết của cán bộ, viên chức Phòng giao dịch. Năm 2015, Ngân hàng CSXH đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch được giao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phối hợp với các cấp, ngành cùng 23/23 xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được lợi ích, ý nghĩa từ nguồn vốn vay. Mỗi tháng, Ngân hàng CSXH huyện đều cử cán bộ xuống cơ sở để thực hiện giao dịch, kiểm tra việc sử dụng vốn, phổ biến chính sách mới cho nhân dân... Kết quả từ việc huy động nguồn vốn 6 tháng đầu năm 2015 là 218.424 triệu đồng, tăng 34,32 % so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương được 2.634 triệu đồng, tăng so với năm 2014 là 244 triệu đồng. Doanh số cho vay đạt 31.520 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt 21.489 triệu đồng. Về chất lượng tín dụng: Nợ quá hạn đến tháng 7.2015 là 795 triệu đồng, giảm 0,17 % so với cùng kỳ năm 2014. Qua đó, giúp cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được vay vốn phát triển kinh tế.Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Võ, thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã. Anh nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi hết sức khó khăn, thường xuyên thiếu đói. Lập gia đình năm 18 tuổi, lấy vợ xong gắn bó với nghề làm thuê và làm ruộng sau một thời gian ngắn, tôi bị bệnh xương khớp không thể làm việc nặng nhọc, hạn chế trong đi lại, khó khăn càng chồng chất khó khăn. Mọi chi tiêu sinh hoạt phụ thuộc hết vào vợ. Song đến năm 2011, gia đình tôi được xét vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua một con trâu cái giống. Sau hơn 2 năm chăm sóc, trâu mẹ đã sinh nghé con, kinh tế gia đình bớt khó khăn, đến nay đã làm được nhà, sắm được ti vi”.
Gia đình chị Đỗ Thị Huyên, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Phúc cũng là một hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2011, gia đình chị vay Ngân hàng CSXH huyện 25 triệu đồng để đầu tư mua giống Cam giấy về trồng. Chị tâm sự: “ Trước đây, gia đình tôi cũng khó khăn, đã từng nuôi lợn làm kinh tế, nhưng do giá mua cám đắt, cộng thêm giá lợn hơi giảm, gia đình bị lỗ vốn, rơi vào tình trạng khó khăn. Từ khi được vay vốn, gia đình quyết định đầu tư trồng cam để thay đổi kinh tế gia đình. Từ đó, gia đình có điều kiện nuôi con cái ăn học, phát triển kinh tế”.Bà Hoàng Thị Hới, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bắc Quang cho biết: “Thời gian tới, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân cho vay, phấn đấu cơ bản hoàn thành chỉ tiêu dư nợ đối với các chương trình tín dụng. Phấn đấu tổng nguồn vốn đạt 234.338 triệu đồng, vốn huy động tại địa phương 7.043 triệu đồng, tỷ lệ nợ xấu còn 0,9 %, nợ quá hạn 0,3 %...Phối hợp chặt chẽ với các Hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến khách hàng, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, phân bổ nguồn vốn hợp lý đến từng địa phương, đặc biệt các xã, thị trấn có nhiều hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa để từng bước cải thiện cuộc sống các gia đình, góp phần phát triển KT – XH của huyện”.
Nhờ có các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH mà các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 12,5 % (năm 2011) xuống còn 2,5 % (năm 2015).
Hằng Nga
Ý kiến bạn đọc