Vang mãi bài ca mở đường

08:08, 26/08/2015

BHG- Những ngày này, hòa với không khí thi đua lao động, sản xuất, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GT-VT Hà Giang cũng đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28.8.1945-2015). 70 năm đi qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lớp lớp cán bộ, kỹ sư, công nhân giao thông đã cống hiến công sức, trí tuệ, xương máu viết lên những kỳ tích, huyền thoại mở đường, khơi thông, kết nối các “mạch máu” quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển VH-XH, đảm bảo QP-AN, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.

Trên mỗi cung đường đang trải dài nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc hôm nay đều thấm máu, mồ hôi của bao cán bộ giao thông. Và mỗi cung đường là một huyền thoại, một khúc tráng ca về tinh thần lao động quật cường, ý chí vươn lên vượt qua gian khó của những công nhân giao thông. 70 năm - tỉnh ta đã và đang hình thành một mạng lưới giao thông hoàn thiện, đồng bộ, có sự liên kết, tính kết nối cao khiến nhiều người đặt chân đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc phải ngỡ ngàng. Với điều kiện khó khăn về kinh tế, địa hình hiểm trở, nguồn lực có hạn, những kết quả đạt được trong việc hoàn thiện, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông thật đáng trân trọng.

Người dân xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) mở đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) mở đường giao thông nông thôn.

Cùng với các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông nông thôn cũng rất được chú trọng phát triển. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế, nhiều bản làng xa xôi, hẻo lánh đã có đường ô-tô đến trung tâm, khoảng cách giữa các vùng miền được rút ngắn, con lợn, con gà nuôi được, thương lái đến tận nơi tìm mua, con đường đến trường của em thơ không còn nhọc nhằn trên những lối mòn lởm chởm đá... Nếu như đầu nhiệm kỳ Đại hội XV, toàn tỉnh còn 59 xã chưa được nhựa hóa hoặc cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã, sau 5 năm nỗ lực, con số này giảm xuống còn 13 xã. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có đường ô-tô đến trung tâm, 78% trong số đó đường nhựa, 85% thôn, bản có đường giao thông đi qua với chiều dài đường huyện 1.653km, đường xã 4.553km, đường đô thị 176km và 367km đường bê-tông xi - măng. Nhân dân các xã đã đóng góp công sức, khai thác vật liệu kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng được 1.519km đường giao thông nông thôn đạt tiêu chí Xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy, ở đâu có hạ tầng giao thông tốt, nơi đó bộ mặt nông thôn được cải thiện, giao thương hàng hóa được mở rộng, đời sống nhân dân được nâng lên.

Việc mở đường trên mảnh đất Hà Giang được đánh giá rất khó, phức tạp do những tác động từ địa hình, điều kiện khí hậu, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đến nay tỉnh ta có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ gồm 4 tuyến quốc lộ đi qua như Quốc lộ 2, 4C, 34, 279 với tổng chiều dài 358km; 49 tuyến đường tỉnh với chiều dài 1.664km... Nhìn chung, các tuyến quốc lộ đều được nâng cấp trong giai đoạn 1996-2005 đã vào cấp hạng, mặt đường thảm bê tông nhựa hoặc láng nhựa, việc đi lại trao đổi giao lưu thuận lợi thông suốt 4 mùa. Nhiều thế hệ cha anh kể lại, trước năm 1960, chỉ duy nhất Quốc lộ 2 từ Tuyên Quang đến Hà Giang phục vụ cho xe cơ giới, còn lại đều là đường mòn đi bộ, đường ngựa thồ từ tỉnh đến các huyện. Với quyết tâm mở đường, đưa ánh sáng của Đảng đến với các vùng miền trong tỉnh, từ năm 1959 Hà Giang trở thành một công trường lớn, nhiều tuyến đường được xây dựng đã thể hiện rõ ý chí, tinh thần quả cảm, lao động không mệt mọi của cán bộ, nhân dân Hà Giang, thanh niên xung phong (TNXP) các địa phương và hàng trăm cán bộ, kỹ sư giao thông. Điều kiện mở đường ngày đó vô cũng khó khăn, nhưng mỗi năm qua đi, lại có thêm nhiều km đường được hình thành, nhiều tuyến đường dần khơi thông, góp phần xây dựng cuộc sống mới nơi cực Bắc Tổ quốc.

Đối với cán bộ, kỹ sư người lao động ngành Giao thông, trong hàng nghìn km đường được mở, mỗi cung đường là một bài ca về tinh thần lao động, không khuất phục khó khăn. Nhưng việc mở đường Hạnh phúc lên Cao nguyên đá thực sự là “Khúc tráng ca trên đá”. Ngày 10.9.1959, tỉnh ta khởi công xây dựng con đường từ cầu Gạc Đì (thành phố Hà Giang) đi Cao nguyên đá Đồng Văn. Sau hơn một năm thi công, đã hoàn thành đoạn đường đầu tiên từ Hà Giang qua huyện Quản Bạ, đến xã Tráng Kìm dài 60km vượt qua vách đá nguy hiểm, dốc Pắc Sum quanh co với những dốc cục bộ, vách đá dựng đứng, vực sâu nguy hiểm. Từ đây, con đường tiếp tục được hình thành dưới bàn tay săn chắc, tinh thần lao động cần mẫn của người thợ giao thông... Sau gần 4 năm, hơn một nghìn TNXP các tỉnh cùng gần một nghìn dân công con em các dân tộc trong tỉnh, với bàn tay, khối óc, trí sáng tạo được hỗ trợ bởi các dụng cụ thô sơ như búa, choòng, cuốc xẻng, ngày đêm vật lộn với đá, đục đá, mở đường và đã làm nên con đường Hạnh phúc dài 164km.

50 năm qua đi nhưng bao kỷ niệm, hoài bão về những năm tháng hào hùng mở đường Hạnh phúc vẫn in đậm trong tâm trí, ký ức các cựu TNXP. Mỗi người đặt chân đến cung đường Hạnh phúc đều không khỏi choáng ngợp trước sự hùng vĩ, hiểm trở nhưng vô cùng hấp dẫn của con đường. Ngày nay, con đường đã được mở rộng, mặt đường trải nhựa xe đi êm thuận, đồng bào vùng cao thoát cảnh đói muối, đói dầu, nghèo nàn, lạc hậu... cuộc sống trên mỗi bản làng đang dần khởi sắc. Viết tiếp bài ca mở đường Hạnh phúc, ngành Giao thông tiến hành mở nhiều tuyến như Bắc Quang - Hoàng Su Phì, Vĩnh Tuy - Xuân Giang, Đồng Văn - Mèo Vạc, Hà Giang - Bắc Mê, Hà Giang - Thanh Thủy, tu sửa nhiều tuyến dân sinh, liên thôn, liên xã, đường ngựa thồ tạo điều kiện chuyên chở hàng hóa, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Những con đường được hình thành, đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do tác động chung của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế của tỉnh luôn có sự tăng trưởng khá, đến hết năm 2014, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) cao hơn 1,3% so với mục tiêu của vùng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.440 tỷ đồng, đứng thứ 9/14 tỉnh trong vùng; giá trị sản xuất công nghiệp gần 3.605 tỷ đồng, đứng thứ 10/14; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 5.758 tỷ đồng, đứng thứ 11/14; bình quân lương thực đạt 488kg/người/năm, đứng thứ 3/14; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4,7%/năm, giảm nhanh hơn mục tiêu vùng 0,72%... Thành tựu phát triển của tỉnh đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Giao thông cũng đóng góp một phần quan trọng, viết thêm những trang sử vàng, những kỳ tích của đất và người Hà Giang.

VĨNH PHÚC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần tích cực tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống thiên tai

BHG- Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 trận lũ quét, sạt lở đất, làm chết 61 người, 75 bị thương; sập đổ, hư hỏng hơn 18,9 nghìn ngôi nhà; phá hủy 3.852 ha rau hoa các loại, 12 nghìn ha lúa, ngô bị thiệt hại... tổng thiệt hại ước tính trên 1.200 tỷ đồng. 

26/08/2015
Bắc Quang thực hiện tốt chính sách với Người có uy tín

BHG- Hiện nay, huyện Bắc Quang có 211 người đại diện cho 11 dân tộc (DT) trên địa bàn được cộng đồng nơi cư trú tôn vinh là Người có uy tín (NCUT). Những năm qua, huyện Bắc Quang thực hiện tốt chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS (theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).

22/08/2015
Agribank Hà Giang hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi

BHG- Sáng 20.8, Agribank Hà Giang đã trao quà hỗ trợ cho hai cháu Nguyễn Trung Hiếu và Đỗ Nguyên Thiên Ngọc, là học sinh nghèo, mồ côi, vượt khó học giỏi, đều trú tại tổ 5, phường Trần Phú (TPHG).

21/08/2015
Thiệt hại do thiên tai bão lũ trên địa bàn huyện Quang Bình

BHG- Đêm ngày 18, rạng sáng 19.8, trên địa bàn huyện Quang Bình xảy ra mưa lớn, sấm sét trên diện rộng đã gây thiệt hại không nhỏ về giao thông và nông nghiệp cho huyện.

20/08/2015