Sự cần thiết ra đời Luật Dân số
BHG- Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9.1.2003; đây là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong lĩnh vực dân số. Sau hơn 10 đi vào thực tiễn, PLDS đã hoàn thành mục tiêu đạt và duy trì mức sinh thay thế; nhưng trong giai đoạn hiện nay, PLDS đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc điều chỉnh dân số và không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Dân số là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu về công tác dân số phát sinh trong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở hành lang pháp lý vững chắc cho việc quản lý dân số và công tác dân số hiệu quả hơn.
Khảo sát, tham vấn, lấy ý kiến của phụ nữ nông thôn về Dự thảo Luật Dân số tại huyện Mèo Vạc. |
Hơn 10 năm qua, PLDS đã góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của cơ quan, tổ chức đối với công tác dân số và trách nhiệm của các cơ sở cung cấp dịch vụ dân số. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực, PLDS đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Nhiều quy định của PLDS còn nặng tính nguyên tắc, chung chung, thiếu cụ thể, không có chế tài xử lý và tính khả thi nên khó áp dụng được trong thực tiễn; thiếu các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình trong việc thực hiện các mục tiêu dân số; không quy định biện pháp ưu tiên, mức ưu tiên sử dụng các dịch vụ dân số đối với người nghèo, người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn; không quy định cụ thể quy trình, điều kiện cung cấp các dịch vụ dân số... Bên cạnh đó, đến nay đã có nhiều Luật chuyên sâu được ban hành với những quy định cụ thể, nên PLDS có những nội dung trùng lặp, thiếu thống nhất với pháp luật hiện hành; thực trạng các vấn đề dân số, điều kiện KT - XH thay đổi nhiều so thời điểm ban hành PLDS và những vấn đề dân số mới phát sinh chưa được điều chỉnh trong PLDS.
Thực tế, dân số nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học, chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức chết cao sang mức chết thấp, từ cơ cấu dân số trẻ sang dân số già. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là phá thai tuổi vị thành niên, thanh niên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản; các cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo, không ít trẻ sinh ra bị dị tật do không được sàng lọc trước sinh; vẫn xảy ra tình trạng người dân, công chức Nhà nước vi phạm PLDS; sự chênh lệch mức sinh ở các địa phương khác nhau, vẫn còn nhiều địa phương đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mức sinh cao (trên 2 con)... Vì vậy, Dự án Luật Dân số ra đời cần có những quy định chặt chẽ đối với việc nạo phá thai; lựa chọn giới tính thai nhi, khám sức khỏe tiền hôn nhân, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, tạo khuôn khổ pháp lý để đảm bảo cần bằng mức sinh giữa các địa phương, vùng miền.
Luật Dân số được xây dựng dựa trên quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân. Tất cả người dân đều có trách nhiệm để Luật này thực sự đi vào cuộc sống. Pháp luật về dân số có liên quan đến quyền con người, do đó, có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển và thi hành, nên cần được quy định và xử lý bằng luật, nhằm hướng tới việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tạo lối sống và làm việc theo pháp luật của toàn xã hội. Chính vì vậy, nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho việc thực hiện và quản lý dân số, góp phần phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng dân số, Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Dân số để giải quyết những hạn chế, tồn tại và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn công tác dân số hiện nay.
PV
Ý kiến bạn đọc