Sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" ở Đồng Yên
BHG- Hướng đến kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (TBLS) – 27.7.1947-2015, tuổi trẻ xã Đồng Yên (Bắc Quang) đã tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc qua những việc tình nguyện thiết thực, làm ấm lòng thân nhân, người có công với cách mạng trên địa bàn xã.
Không băng zôn, khẩu hiệu chào mừng, không ồn ào, náo nhiệt như những chương trình tình nguyện khác. Nhưng chúng tôi có thể cảm nhận tình cảm tri ân sâu sắc của tuổi trẻ xã Đồng Yên khi chăm sóc Nhà bia ghi tên 38 liệt sỹ của quê hương, đã anh dũng hy sinh qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Đội viên Nguyễn Đức Long chia sẻ: Em rất vui khi có thể tự tay quét sạch lối đi trong Nhà bia và tưới nước, chăm sóc cây xanh. Bởi, qua lời giải thích của anh Bí thư Đoàn xã Đồng Yên – Phạm Văn Huy, em hiểu: Đây là việc làm bày tỏ lòng biết ơn thế hệ cha, anh của xã Đồng Yên đã xông pha trận mạc, hy sinh cả bản thân để quê hương, đất nước có cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc như ngày hôm nay...
Ông Hoàng Hải Đội (thôn An Xuân) kể cho thế hệ trẻ xã Đồng Yên về năm tháng đấu tranh gian khổ của Quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Nam Lào. |
Khi biết có đoàn viên, đội viên của xã Đồng Yên tới thăm và giúp gia đình chỉnh trang khuôn viên để “Nhà sạch, vườn đẹp”, ông Hoàng Hải Đội (thôn An Xuân) năm nay gần 70 tuổi, không nén được những giọt nước mắt xúc động và trần tình khiêm tốn: “Những việc làm của tôi nhỏ, bé lắm nhưng luôn được các cấp, ngành quan tâm, chia sẻ, động viên. Tôi cảm động lắm”. Trong những năm 1968-1975 cũng như bao thanh niên khác, chàng trai Hoàng Hải Đội khoác ba lô lên đường, là Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Nam Lào, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân bạn tức là tự giúp mình” (chống kẻ thù xâm lược chung là Pháp và Mỹ). Khi trở về quê hương, xây dựng mái ấm gia đình, người thanh niên ấy mới biết mình không may nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) mà kẻ thù xâm lược sử dụng trong chiến tranh. Năm 1993, CĐHH mang tên da cam/dioxin đã khiến người chồng, người cha mẫu mực Hoàng Hải Đội liệt một phần thân thể và không còn khả năng lao động. Cũng từ đó đến nay, đôi mắt và miệng của ông trở nên biến dạng, làm giảm khả năng nhìn và nói. Những ngày thời tiết thay đổi, cơn đau toàn thân hành hạ ông và nỗi đau tăng gấp bội khi ông nhìn thấy các con của mình, người thì bị mụn, nhọt, mẩn ngứa toàn thân; người thì thường xuyên lên cơn co giật và ốm yếu... Song, bằng tinh thần lạc quan của người làm cách mạng năm xưa, ông Đội đã chấp nhận di chứng đau đớn của chiến tranh một cách nhẹ nhàng để động viên các con gây dựng kinh tế, xây mái ấm gia đình với khuôn phép: Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền...
“Những hoạt động hướng về ngày TBLS đã giúp chúng em hiểu thêm lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc. Và hôm nay, chứng kiến cuộc sống nhiều đau đớn về thể thể xác, tinh thần của ông Đội khi suốt đời mang di chứng CĐHH trong chiến tranh, di truyền đến thế hệ sau. Rồi thấy nước mắt mẹ Vi Thị Tọa, 81 tuổi (thôn Đồng Mừng) rơi khi mọi người nhắc đến con mẹ - liệt sỹ Hà Ngọc Tâm và tới thăm nhiều gia đình TBLS khác như nhắc nhở chúng em cần làm nhiều việc tốt để sống trọn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đã lấy máu xương tô thắm ngọn cờ độc lập dân tộc”, đoàn viên Bùi Thị Toan xúc động.
Kết thúc ngày tình nguyện, có lẽ, điều lắng đọng trong tâm trí các bạn trẻ xã Đồng Yên chính là lời nhắn nhủ của ông Hoàng Hải Đội: Tuổi trẻ của các bác sẵn sàng hy sinh bản thân vì độc lập dân tộc, vì tinh thần đoàn kết quốc tế nên bác mong các cháu đừng bao giờ quên quá khứ đấu tranh anh dũng của thế hệ cha anh. Giờ không còn lo chống giặc ngoại xâm nhưng các cháu nhớ rèn đức, luyện tài để diệt tận gốc giặc đói, giặc dốt, cống hiến sức trẻ cho sự phát triển mạnh giàu của quê hương, đất nước...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc