Phụ nữ Hà Giang tích cực tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Dân số
BHG- Ngay sau Hội thảo được tổ chức vào cuối năm 2014, nhằm giới thiệu về Dự án “Tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển, nhóm cộng đồng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các chuyên gia luật và hoạch định chính sách các cấp để thúc đẩy đối thoại chính sách và đóng góp bổ sung Dự thảo Luật Dân số tại tỉnh Hà Giang”, Hội Nông dân phối hợp với Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến Dự án, lấy ý kiến của phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số vào xây dựng Dự thảo Luật Dân số.
Phụ nữ huyện Yên Minh tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Dân số. |
Với mục tiêu của Dự án “Tăng cường sự liên kết giữa các tổ chức xã hội, các đối tác phát triển, nhóm cộng đồng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, các chuyên gia luật và hoạch định chính sách các cấp để thúc đẩy đối thoại chính sách và đóng góp bổ sung Dự thảo Luật Dân số tại tỉnh Hà Giang” là tăng cường năng lực để thực hiện các quyền cơ bản của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua huy động các tổ chức xã hội, đối tác phát triển, nhóm cộng đồng, các cơ quan, ban, ngành, cán bộ làm luật, thẩm tra và hoạch định chính sách có liên quan để cùng phối hợp hành động, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật, quyền và lợi ích để người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số sống tại vùng nông thôn có thể tự bảo vệ và chủ động thực hiện các chính sách về DS - KHHGĐ, có tiếng nói đóng góp xây dựng Luật Dân số, góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo chính quyền trong việc đẩy mạnh thực hiện Luật Dân số và các chính sách, pháp luật liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân theo luật định.
Đến nay, các hoạt động của dự án đã hoàn thành, Ban quản lý dự án đã tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, kỹ năng phản biện (đối thoại) cho đại diện cơ quan chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, các cán bộ xây dựng luật, hoạch định chính sách các cấp tại các địa phương với sự tham gia của 280 người là cán bộ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Phòng Tư pháp, Đoàn thanh niên, MTTQ, đại biểu HĐND, cán bộ dân số cấp huyện, xã. Thông qua tập huấn, với các nội dung về: Pháp lệnh Dân số; sự cần thiết ban hành Luật Dân số; kỹ năng truyền thông; vận động chính sách cho các tổ chức xã hội, kỹ năng giám sát và phản biện xã hội; kỹ năng tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, 100% học viên được nâng cao kiến thức pháp luật, hiểu và nắm được các kiến thức về vận động chính sách, giám sát phản biện xã hội và cách huy động người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia góp ý, bổ sung luật, chính sách. Tổ chức 6 cuộc truyền thông cộng đồng về các nội dung cơ bản Dự thảo Luật Dân số, có khoảng 3.000 phụ nữ tham dự. Bằng hình thức sân khấu hóa và diễn thuyết, khoảng trên 80% người tham dự biết được mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc ban hành Luật Dân số và những nội dung trọng tâm liên quan đến quyền con người và nghĩa vụ của người dân. Từ đó nhận thức về pháp luật của người dân được nâng lên, họ ý thức hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Dân số. Tổ chức 6 cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến của chính quyền, cán bộ y tế cấp cơ sở và 6 cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến của người dân các dân tộc thiểu số kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tìm ra những thách thức trên lĩnh vực mà Luật Dân số đang quan tâm với trên 150 người tham gia; đã có 47 ý kiến của người dân và 54 ý kiến của chính quyền, cán bộ y tế cấp cơ sở đóng góp vào Dự thảo Luật dân số. Tổ chức 6 cuộc tọa đàm trực tiếp giữa phụ nữ nông thôn dân tộc thiểu số với chính quyền địa phương, đoàn thể, ban, ngành, tổ chức xã hội, các cán bộ làm luật và hoạch định chính sách liên quan các cấp trong việc sửa đổi bổ sung Luật Dân số với trên 270 người tham dự; đã có 86 ý kiến góp ý, bổ sung vào Dự thảo Luật Dân số tại các cuộc tọa đàm. Tại các cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện chính quyền, một số đoàn thể huyện, xã với cán bộ làm luật và hoạch định chính sách liên quan trong việc sửa đổi bổ sung Luật Dân số tại các huyện, đã có 67 ý kiến đại diện cho cử tri, hội viên, đoàn viên và người dân của tổ chức mình đóng góp vào Dự thảo Luật Dân số.
Thông qua các hoạt động, các buổi đối thoại trực tiếp, khảo sát, tham vấn lấy ý kiến của phụ nữ nông thôn về Dự thảo Luật Dân số, phần lớn phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã hiểu và nắm rõ quyền và trách nhiệm tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Dân số; đã có hàng trăm ý kiến của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp vào Dự thảo Luật Dân số, tập trung vào các nội dung: Chính sách thực hiện KHHGĐ; quy định về khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc, chẩn đoán điều trị trước sinh; điều trị sơ sinh, nguyện vọng được cung cấp miễn phí các dịch vụ và biện pháp tránh thai cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng dân tộc thiểu số; những quy định về điều kiện phá thai; người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai an toàn, có chất lượng và chi phí thấp; được cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn về KHHGĐ; được lựa chọn, giữ bí mật thông tin về sử dụng biện pháp tránh thai và lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ, vai trò của người chồng trong thực hiện KHHGĐ. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số còn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về cuộc sống, sinh con tại cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, chống suy dinh dưỡng trẻ em...
Ngoài việc lấy ý kiến của phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp vào Dự thảo Luật Dân số, Ban quản lý dự án đã tổ chức Hội thảo chia sẻ đóng góp ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Hà Giang, đại biểu HĐND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, Hội Luật gia tỉnh, các chuyên gia và cán bộ hoạch định chính sách liên quan đến việc sửa đổi Luật Dân số để họ nói lên những ý kiến của mình bổ sung vào Luật dân số từ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế tích lũy được qua 10 năm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Pháp lệnh Dân số. Đồng thời cùng tham gia thảo luận thêm về những vấn đề thu thập được từ các cuộc khảo sát, tham vấn và các cuộc tiếp xúc tại cơ sở.
Đến thời điểm kết thúc dự án, với tinh thần và trách nhiệm, phụ nữ nông thôn Hà Giang đã có nhiều ý kiến cụ thể, đóng góp vào xây dựng Dự thảo Luật Dân số gắn với điều kiện thực tế về công tác DS - KHHGĐ tại địa phương.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc