Pháp lệnh Dân số trong đời sống phụ nữ
BHG- Xác định công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH địa phương, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung của Pháp lệnh Dân số (PLDS) tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người đối với công tác DS - KHHGĐ.
Truyền thông cộng đồng giới thiệu về Dự thảo Luật Dân số tại huyện Đồng Văn thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. |
Thực tế, để PLDS thực sự đi vào cuộc sống, Hội Phụ nữ từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tích cực vận động hội viên lồng ghép thực hiện các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tuyên truyền, vận động, giáo dục phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, nhận thức; Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... gắn với thực hiện PLDS; thành lập các Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3 trở lên”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Bình đẳng giới”, sử dụng các biện pháp KHHGĐ...
Bằng nhiều biện pháp truyền thông, lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, phiên chợ, sinh hoạt Chi hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng: Đài PT - TH tỉnh, Báo Hà Giang, các Đài truyền thanh - truyền hình huyện, các buổi toạ đàm, kỷ niệm ngày dân số với các chủ đề về: Sức khỏe sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn, cách phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS... Nhờ vậy, PLDS và các văn bản hướng dẫn thi hành PLDS đã từng bước đi sâu vào đời sống của chị em phụ nữ nông thôn, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số cũng được các cấp Hội đặc biệt quan tâm bằng cách tham gia nhiều chiến dịch truyền thông về dân số; các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức được trên 15.000 cuộc truyền thông với hơn 630.000 lượt người tham gia về PLDS và các văn bản, chính sách liên quan; đã có hàng nghìn lượt phụ nữ được tư vấn, vận động áp dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện KHHGĐ.
Tuy là tỉnh nghèo, có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống với những phong tục, quan niệm về sinh con trai nối dõi còn nặng nề, nhưng hơn 10 năm thực hiện PLDS với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đặc biệt là Hội LHPN các cấp đã tích cực kiểm tra, giám sát thực hiện PLDS và các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách Dân số – KHHGĐ... Hà Giang đang từng bước đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,6%, tỷ suất sinh giảm 0,4%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể qua từng năm; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại tăng hơn trước, mô hình gia đình 1 – 2 con trở nên phổ biến; đời sống của chị em được cải thiện, vấn đề chăm sóc sức khỏe được quan tâm, chú trọng; tỷ lệ gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc tăng; vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội dần được khẳng định. Phần lớn chị em phụ nữ đã nhận thức, hiểu rõ nội dung của PLDS, quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện PLDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, kết qủa xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số chưa nghiêm, nhiều phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về thực hiện PLDS còn hạn chế, ít đi khám sức khỏe, tư tưởng có con trai nối dõi còn tồn tại, một số địa phương tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, tồn tại tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... gây ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng dân số.
Trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục chủ động phối hợp với ngành dân số thực hiện tốt công tác cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ngày càng thuận tiện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có mức sinh cao.
SÔNG GÂM
Ý kiến bạn đọc