Huyện Quang Bình với nhiều việc làm tình nghĩa

07:14, 25/07/2015

BHG- Phát huy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ (TB-LS), gia đình chính sách. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ đã trở thành việc làm tình nghĩa, thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động TB&XH huyện, hiện nay toàn huyện có tổng số 368 đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia  đình liệt sĩ và gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể của huyện thường xuyên đưa hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng thành một nội dung quan trọng trong công tác. Mặc dù điều kiện KT - XH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tình hình đời sống kinh tế của các đối tượng thương binh – xã hội đã được nâng lên một bước đáng kể thông qua việc bổ sung các khoản trợ cấp của Nhà nước, thông qua chính sách ưu đãi cho vay vốn phát triển sản xuất, cho vay giải quyết việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, kinh doanh... Hoạt động của các tổ chức quần chúng cũng mang lại hiệu quả tốt như phong trào chăm sóc, đỡ đầu con liệt sỹ, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa... Những việc làm đó đã góp phần động viên các gia đình TB-LS cũng như toàn dân đoàn kết phấn khởi, hăng hái sản xuất, xây dựng quê hương...

Cùng với các chính sách của Nhà nước, phong trào “đền ơn, đáp” nghĩa trên địa bàn toàn huyện đã giúp thương, bệnh binh và các gia đình liệt sỹ vượt qua được khó khăn, ổn định đời sống, vui vẻ về tinh thần và phát huy được truyền thống cách mạng vẻ vang của bản thân, gia đình mình. Cũng từ sự quan tâm chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với nghị lực và cố gắng, nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã khắc phục khó khăn, lao động sản xuất giỏi, công tác tích cực, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, trở thành những công dân gương mẫu, gia đình văn hoá... Điển hình như thương binh Sìn Văn Tu, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, thương binh mất sức lao động 71%, nhưng phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” anh vẫn tham gia công tác, hiện nay là Chủ tịch Hội CCB xã Tân Trịnh. Ngoài công việc cơ quan, anh đã cùng gia đình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực cho gia đình và xã hội. Thương binh Lèng Ngọc Bảo, thôn Nà Vài, xã Tân Nam, thương binh mất sức lao động 47%, sau khi trở về địa phương anh vẫn tham gia công tác xã hội tại Văn phòng Huyện ủy Xín Mần, làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Xín Mần sau đó về nghỉ hưu, anh cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong công tác, trong phát triên kinh tế gia đình, là người có uy tín...

Đặc biệt, để ghi nhớ công ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đầu tháng 7.2015, 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là mẹ Lý Thị Thu, thôn Xuân Mới, xã Xuân Giang; 2 mẹ (đã mất) Nông Thị Thuận, thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh và mẹ Lý Thị Thàng, thôn Nậm Khẳm, xã Tân Bắc đã được Đảng, Nhà nước trao tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đây là sự quan tâm sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ đã hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc để đất nước có được hòa bình độc lập thống nhất hôm nay.

Cùng với các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ, hiện nay trên địa bàn huyện còn rất nhiều đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học, vì vậy càng đặt ra cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, mỗi gia đình, mỗi cá nhân trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao trong việc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ và khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Bằng những hành động, việc làm cụ thể và thiết thực chắc chắn rằng Đảng bộ, chính quyền và các ngành, đoàn thể của huyện Quang Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sỹ, cùng với nhân dân đẩy mạnh phong trào đền ơn, đáp nghĩa, góp phần xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc.

HIẾN CHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sự cần thiết ra đời Luật Dân số

BHG- Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9.1.2003; đây là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong lĩnh vực dân số. Sau hơn 10 đi vào thực tiễn, PLDS đã hoàn thành mục tiêu đạt và duy trì mức sinh thay thế; nhưng trong giai đoạn hiện nay, PLDS đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc điều chỉnh dân số và không phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

25/07/2015
Nâng cao vai trò của phụ nữ nông thôn trong xã hội hiện đại

BHG- Người phụ nữ trong xã hội hiện đại không chỉ luôn nỗ lực, chủ động để khẳng định mình, mà họ còn biết dung hòa giữa gia đình và sự nghiệp. Ở nông thôn, phụ nữ cũng đang ngày càng nhận thức và phát huy vai trò của mình; họ tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

25/07/2015
Pháp lệnh Dân số trong đời sống phụ nữ

BHG- Xác định công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT - XH địa phương, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung của Pháp lệnh Dân số (PLDS) tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người đối với công tác DS - KHHGĐ.

25/07/2015
Lễ truy điệu và an táng 2 hài cốt Liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên

BHG - Ngày 23.7, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp UBND huyện Vị Xuyên long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 2 hài cốt Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên.

24/07/2015