Biên cương hình bóng quê nhà
Cảm thức thời gian
Tháng bảy, nếu tính theo chuyển vần của vũ trụ thì bắt đầu vào tiết mưa. Mùa cho cây đơm trái sinh sôi nảy nở… Còn theo chuyển vần của đời người, thì đó là khi các sĩ tử tất bật cho những ngày thi đại học với khát khao cháy bỏng được bay trên đôi cánh của những ước mơ, hoài bão bấy nay. Với những người khác, sẽ có vô vàn những điều đáng nhớ hoặc không đáng nhớ. Có thể là sự khởi đầu, cũng có thể là kết thúc…
Nhưng, với những người lính của trận chiến ngày 12 tháng 7 năm 1984, đó là những gì của đau thương và bi tráng nhất trong cuộc đời.
Ba mươi năm sau, sáng sớm mười hai tháng bảy hôm ấy, có rất nhiều ánh mắt của những cựu chiến binh từ nhiều miền đất nước, trong đó có Hà Nội, từ thành phố Hà Giang hướng về Thanh Thủy, Vị Xuyên. Những ánh mắt trĩu nặng chứa chất nỗi niềm. Những ánh mắt mờ đi như có lớp sương mù bao phủ dẫu hôm ấy, trời khá xanh trong và nắng cũng trải vàng. Họ có mặt ở thị xã nhỏ bé vùng biên này để đến với đồng đội của mình đã nằm lại nơi đây bằng nén linh hương tưởng niệm…
Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Bạch Đích tuần tra tại mốc 357. Ảnh: LÊ LÂM |
“Hôm nay đây…”. Họ đã nói như thế, với chính mình, với đồng đội - những người còn sống, những người xương cốt đã hòa vào đất mẹ trong nghĩa trang Vị Xuyên và rải rác dưới trập trùng biêng biếc xanh cây cỏ trên các sườn đồi, thung sâu nơi mảnh đất biên viễn này trong tiếng thở vuột ra nhè nhẹ.
Và những kí ức bi hùng
Người cựu chiến binh tuổi trung niên Nguyễn Đình Thắng của trận chiến năm nào nghẹn ngào gỡ cặp kính mắt xuống lau. Từ điểm cao 468, anh ngước nhìn sang bên kia, dải bình độ của điểm cao 772, nơi mà ba mươi năm trước, anh đã may mắn thoát chết bởi nằm sát đỉnh đồi khi là y tá của C24, E153, tăng cường cho hướng cửa mở của C5, D2, E876, lúc pháo của địch dội như mưa xuống sườn núi và thung lũng... Bên ấy, là những đồng đội của anh: Những người lính khoác trên mình áo lửa/ Những người lính gối đầu lên bờ đá/ Những người lính nằm trong đất tơi tả/ Những người lính chẳng vẹn nguyên bên cây cỏ bị xới đào... Giọng anh như lạc đi, mấp mênh trong cái kí ức bi tráng đã lằn thành những vết sâu mà chưa bao giờ liền sẹo.
Đầu tháng 4 năm 1984, cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt mới bắt đầu hiện diện ở Thanh Thủy, Vị Xuyên. Bắt đầu là các trận tấn công nhỏ lẻ mang tính thăm dò, kèm pháo binh bắn phá hoại. Cuối tháng 4, địch chính thức tấn công xâm lược toàn bộ các cao điểm. Những người lính F313 (chủ yếu là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 122) đã kiên cường chiến đấu, nhưng do lực lượng mỏng nên đầu tiên là 1509, sau đó đến các điểm cao, bình độ khác lần lượt bị mất.
Phía Tây, phía Đông sông Lô, các điểm cao 1030, 1250... địch cũng đã kéo hỏa lực lên đó khống chế toàn bộ ngã ba Thanh Thủy.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5, các đơn vị thuộc F316, F356 từ Hoàng Liên Sơn, Lai Châu... cùng các đơn vị khác từ miền xuôi bắt đầu hành quân lên đây. Cuộc tấn công giành lại những thước đất biên cương của Tổ quốc đã rơi vào tay địch được ấn định vào đêm 11, rạng ngày 12 tháng 7 năm 1984.
Chiều mười một, trời hửng nắng. Nhưng đến khoảng hơn 6 giờ thì bắt đầu đổ mưa. Bộ đội lặng lẽ nối chân nhau, đơn vị vượt qua làng Pinh, Coóc Nghè, 600, Nậm Ngặt, đơn vị thì từ ngã ba Thanh Thủy qua hang Làng Lò, 468, rồi tập kết qua con suối cụt trong đêm. Họ vội vã đào công sự ẩn nấp dưới làn mưa lâm thâm. Đất ở đây cứng quá, tiếng thở mệt nhọc cố thoát ra nhè nhẹ, tiếng cuốc chim, xẻng ấn vào đất gọn gàng, không gây ra tiếng động lớn. Chỉ một quãng thôi, trên kia là địch... Có tiếng càu nhàu: “Đi chiến đấu mà quên mang cuốc xẻng, ông định đào hố bằng tay không à?”. Tiếng trả lời ngượng nghịu: “Đồng hương thông cảm, cho mượn tý đi! Đeo sau lưng chả biết nó rơi mẹ từ lúc nào...”. Vài người mang lương khô ra ăn, thấy vừa khô vừa nhạt lại bỏ.
Họ là những người lính Trung đoàn 876, Sư 356, đơn vị chủ công trong trận này, hướng 772. Có thêm một số cán bộ, chiến sĩ chuyên môn như thông tin, y tá... của Trung đoàn 153, Sư 356, vận tải, trinh sát, công binh của F313. Ngoài kia, là Trung đoàn 149 anh em cùng sư đoàn, Trung đoàn 174, Sư 316 phía điểm cao 685, 233. Phía Đông sông Lô, dưới 1030, Trung đoàn 141, Sư 312, Quân đoàn 1 cũng như họ, đang lặng lẽ ém mình, hồi hộp, chờ hiệu lệnh tấn công. Những chàng trai trẻ măng, tuổi mười tám, đôi mươi vừa nhập ngũ, lần đầu tiên ra trận, có người được huấn luyện chưa đầy hai tháng đã ra thẳng chiến trường…
Anh khẽ nén tiếng thở dài. Bên cạnh anh, người bạn cựu chiến binh Đại đội 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn 356 Phạm Ngọc Quyền cũng đang lặng đi. Dưới cái nắng chói chang của buổi sáng cuối hè trên điểm cao 468 - nơi ba mươi năm trước, các anh đã tập kết tại đây để tấn công giành lại điểm cao 772, ánh nhìn thăm thẳm của người cựu chiến binh Phạm Ngọc Quyền như có một dải sáng chập chờn hun hút đến vô cùng. Cái dải sáng ấy, cứ tròng trành như một chiếc cầu vồng nối giữa thực và ảo, hiện tại và quá khứ... Đôi môi run run, mắt anh như dại đi khi kể về cái đêm bi hùng 12 tháng 7 ấy. Ngày ấy, Phạm Ngọc Quyền là tiểu đội trưởng chỉ huy bộ phận hỏa lực gồm 4 khẩu cối 60 và 9 khẩu B40 tham gia đánh cửa mở ở mỏm 1 của điểm cao 772. Xuất phát cùng tiểu đội hỏa lực hôm ấy, còn có hai trung đội bộ binh của Đại đội 6. Bên trái là trung đội do đồng chí Ngọc đảm nhiệm. Bên phải là trung đội của đồng chí Cảnh. Khoảng hơn một giờ sáng, theo đội hình chữ V, hỏa lực hơi lùi một chút, các anh bí mật bò qua từng mỏm đá, ụ đất, áp sát cửa mở...
Tín hiệu tấn công bắt đầu. B40, B41 khạc lửa hủy bãi mìn của địch. Núi đồi như rung chuyển, cháy vụn ra bởi tiếng nổ các loại hỏa lực đánh cửa mở của ta. Tiếng thét xung phong vang lên khắp nơi, bộ đội bật từ các hố cá nhân lao lên công sự kẻ thù trên sườn núi. Nhưng rồi tất cả bỗng lặng đi. Rất nhiều tiếng nổ dữ dội của pháo địch từ phía các mỏm núi trước mặt và hai bên, liên tiếp dội vào đội hình. Không gian quánh lại bởi mùi thuốc súng. Đội hình đánh cửa mở đã áp sát công sự tuyến 1 của địch. Đã có những người lính đầu tiên nhảy vào giao thông hào. Khi ấy, Phạm Ngọc Quyền cũng chỉ còn cách giao thông hào của địch một chút. Anh thảng thốt, như không thể tin vào mắt mình khi phía sau, lưới lửa cả pháo binh và pháo phòng không hạ nòng của địch trùm lên đội hình tấn công của bộ binh ta... Dù bộ phận cửa mở của các anh đã chiếm được chiến hào 1, nhưng cũng không thể phát triển tiến công được nữa, nên đành phải nằm lại đó.
Hoạt động tuần tra đường biên, mốc giới thường xuyên được duy trì. Ảnh: P.V |
Cho đến bây giờ, cảm giác trống rỗng, mất mát đến cùng cực khi anh may mắn thoát chết bò được về lèn đá 468 vẫn nguyên vẹn trong tim. Nó giống như nỗi đau của một người vừa mất cả gia đình. Kia, cái đoạn hào thẳng soi gương 685… Tảng sáng ngày 12 tháng 7 năm 1984, tất cả anh em nằm ở đoạn này của 772, anh nằm trên cùng, lần lượt dưới chân là các pháo thủ chờ đợi phân đội của C5 đánh bộc phá mở cửa là xông lên. Nhưng C5 không mở được cửa, trời lại sáng. Địch nhìn quá rõ, quá sát. Những làn đạn bắn thẳng DKZ, 14,5ly, 12,7ly... cứ thế quạt, cày nát tung tất cả lên. Người và cây cỏ cùng đất cát... Lúc đó, mặt anh úp sát xuống đáy hào, đến khi nghe tiếng Tiểu đoàn trưởng Đệ hô: “Thê đội hai”, anh vùng dậy lao lên, chưa kịp tiến bước nào thì “ầm!” Mặt mũi tối sầm không còn biết gì nữa... Anh không biết thời gian đã trôi qua bao lâu... Đầu óc lơ mơ, anh nhìn thấy trước mắt mình, giữa làn sương mù mờ ảo, mẹ mặc áo nâu với ánh mắt xa xót âu lo. Mẹ mới mất cách đó ba năm, ở cái tuổi vận hạn bốn chín của đời người... Thoảng trong không khí, mẹ động viên: “Con bình tĩnh, đến chỗ ngã ba thì nhảy xuống…”. Anh chồm lên, miệng gọi: “Mẹ… Mẹ ơi!” Nhưng không thể nào với lên được...
Anh tỉnh lại trong cảm giác nặng trĩu và khó thở. Mở mắt ra nhìn, thấy tối om, lúc ấy mới biết mình đang bị vùi dưới giao thông hào. Ra sức dùng tay bới, vạch đất để thở, cuối cùng cũng xuất hiện chút ánh sáng le lói, rồi khoảng trời hiện ra. Anh cố sức vùng dậy. Một cảnh tượng tan nát, toang hoang máu trộn bùn, xác người rải rác hiện ra trước mắt. Chưa kịp hoàn hồn, phía trên đỉnh đồi, cách chỗ anh đứng chừng khoảng hơn chục mét, thấy lố nhố địch đứng cầm AK bắn xuống giao thông hào. Anh quăng mấy quả lựu đạn cho nổ mù mịt, bắn mấy loạt AK và rút xuống phía dưới. Xuống tới đoạn hào cong hình vành khăn, anh ép mình vào thành bắn ngược lên. Địch vẫn ào ào lao xuống. Trong lúc đang bắn trả quyết liệt thì nghe thấy tiếng quát to: “Quyền! lựu đạn!” Theo phản xạ, anh vừa nằm sấp xuống thì nghe xẹt qua mang tai, sau đó là một tiếng nổ, đất đá bay rào rào. Anh nhỏm dậy lắc lắc đầu cho đất rơi xuống, thì nhìn thấy Bảo - Trung đội trưởng Trung đội 2 cùng C6. Mừng quá, nhưng cũng chẳng kịp nói gì vì địch đã xuống sát quá rồi. Hai anh em chụm lại quay lưng vào nhau mỗi người bắn một hướng, vừa bắn vừa rút. Đến đoạn giao thông hào vỡ tạo thành rãnh, hướng xuống dưới chân đồi, trong đầu anh chợt hiện ra hình ảnh mẹ. “Ngã ba” mẹ dặn nhảy xuống là đây chăng? Nghĩ vậy, anh liền hô lớn: “Bảo, nhảy!”. Hai người bật khỏi chiến hào và tụt xuống dưới suối ở chân đồi. Trên đoạn mà hai người tụt xuống suối, cây cối đổ nhằng nhịt, đất đá tứ tung, rất nhiều phần thân thể đồng đội lẫn trong đó… Anh nhận ra anh Ký, Tiểu đoàn phó và anh Hòa, Đại đội phó chính trị C6 đã hi sinh. Nhưng vì phía trên địch vẫn đang bắn đuổi truy kích hai anh em nên không còn cách nào khác, đành phải rút xuống...
Lúc ấy, mặt trời đã trên đầu, khoảng hơn 11 giờ gì đó của ngày mười ba...
Đồng đội ơi!
Sáng sớm mười hai tháng bảy lúc nhìn lên ngọn núi phía Đông trung tâm thành phố Hà Giang, tôi bắt gặp một dạng hình phễu trắng trên khoảng không xanh được tạo bởi một dải sương mây vương lưng lửng núi. Hình phễu loang dần thành một dải hoa rất đẹp. Những bông Huệ trắng. Trắng bần thần. Chầm chậm lẫn dần vào từng ngọn cây, ngọn cỏ, thớ đá. Chầm chậm lẫn vào ánh sáng của bình minh vừa rạng... Vâng, các anh, lúc là sương là khói, là gió, là mây. Các anh đang về, khóc cười cùng đồng đội trong ngày hội ngộ ba mươi năm... Ba mươi năm. Quãng thời gian đủ để một chàng trai mười tám đôi mươi với tất cả những háo hức, say mê... trở thành một người chín chắn ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” - biết được mệnh trời. Còn các anh, vẫn mãi đôi mươi: Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn... Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu... Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên vui cười, bạn bè, đồng đội, người thân, ôm nhau nước mắt chan hòa. Lời hát gọi đồng đội của nhạc sĩ Trương Quý Hải cùng Đội tuyên văn của Sư 356 ngày xưa, hát cho đồng đội, cả những người đang hiện diện bằng xương thịt, lẫn người phảng phất trong khói nhang trên cây hương 468 trong buổi lễ tưởng niệm sáng 11 tháng 7 năm 2014 như vẫn đang văng vẳng... Tiếng hát chìm mềm bay la lả. Trắng tinh khôi Huệ. Trắng ẩm ướt sương. Trắng tan mềm. Trắng những bông lau phơ phất… Trong cái buổi sáng ấy, giữa khói nhang tỏa tỏa, tôi như thấy trên các ngọn cây, thớ đá, của những ngọn đồi xung quanh đang run rẩy. Cái run rẩy giao hòa của mấp mênh hai cõi âm, dương… Run rẩy giao hòa trái tim đồng đội còn sống và linh hồn đồng đội nằm lại mảnh đất này. Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên vui cười, bạn bè, đồng đội, người thân, ôm nhau nước mắt chan hòa…
Chiều ngày mười hai, vái vọng chia tay đồng đội nằm lại trên các điểm cao, Đoàn Cựu chiến binh Hà Nội quay về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên cách đó trên dưới 40km. Ở đó, trên 1600 đồng đội của các anh đang nằm. Những ngôi mộ có tên và không tên. Bình thản và thanh khiết. Các anh nằm nghe tiếng gió đồi vi vu, tiếng sương rơi nhè nhẹ thảng thốt, nói với nhau những câu chuyện về quê hương bản quán, về đồng đội, về chiến trận đã qua. Dù cái nắng đầu chiều khá gay gắt và trời thì hầu như không có gió nhưng không hề thấy, dẫu chỉ là một chút phảng phất mệt mỏi trên gương mặt mọi người… Đội tuyên văn lại hòa linh nhịp âm dương trong bài ca “Hãy về đồng đội ơi” gọi các anh về trong khói hương, ôm ròa lấy nhau tíu tít khóc cười…
Tôi đã đứng lặng trong nghĩa trang, xúc động nhìn các anh mắt rưng rưng, tay cầm nén linh nhang run run đi tới từng ngôi mộ. Có những ngôi mộ, các anh dừng lại, miệng mấp máy như cố kìm cảm xúc đang trào dâng... Người cựu binh C25, E149, F356 Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thịnh đang sống ở quận Hai Bà Trưng đi tìm người bạn đã hi sinh là Nguyễn Văn Cường, nhà ở 81 Quán Thánh… Ngày ấy, các anh ở đội vận tải làm nhiệm vụ đưa lương thực thực phẩm vào và đưa thương binh tử sĩ ra. Rất nhiều đồng đội đã ở trong vòng tay các anh trước khi vĩnh viễn nằm vào lòng đất mẹ… Người cựu binh C2, D11, E876, F356 Dương Đình Tích cũng ở quận Hai Bà Trưng đi tìm liệt sĩ Hoàng Văn Tạo - người trung đội trưởng dũng cảm quê Thái Bình. Anh bảo, ngày xưa hai người đã hẹn hò nhau, xong trận này sẽ về nhà nhau chơi. Vậy mà… Người trung đội trưởng ấy hi sinh bởi một loạt pháo của địch, còn anh, sở dĩ sống sót bởi khi ấy, anh nằm sát ngay cửa mở. Nhạc sĩ Trương Quý Hải, người lính vận tải năm xưa của Sư 356, người sáng tác ca khúc “Hãy về đồng đội ơi!” ngay trước chuyến đi, người ôm đàn ghi ta cùng đội tuyên văn hát cho đồng đội nghe ở điểm cao 468 và Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, cũng đứng lặng trước ngôi mộ ở một góc nghĩa trang. Đôi mắt đỏ hoe, gương mặt vẫn còn vương những giọt nước mắt, anh bảo sau trận mười hai tháng bảy, suốt một tuần liền các anh vào đưa đồng đội đã ngã xuống ra. Người còn vẹn nguyên, người mất mát vài phần thân thể, máu trộn đất bết vào quần áo… Trong một lần liệm anh em, khi kiểm tra túi áo, anh bắt gặp một mảnh giấy nhỏ được xé ra từ vỏ bao thuốc lá Sa Pa. Dòng chữ trên mảnh giấy đã nhòe bởi máu nhưng vẫn còn đọc được mới kịp ghi vỏn vẹn ba chữ: “Mẹ kính yêu”. Khi ấy, cảm giác như trái tim anh vừa bị thắt bởi một sợi dây sắc. Sợi dây ấy thắt dần đến nghẹt thở khiến anh không thể nào chịu đựng nổi. Buổi tối, anh lang thang lên đồi với tâm trạng chất chứa, ứ đầy xúc cảm. Và bài hát “Thư gửi mẹ” của anh đã ra đời ngay trong đêm ấy. Đó là bài hát đầu tiên của anh có sự sâu lắng, có nhịp ngân rung chạm thẳm lòng người. Sau bài hát ấy, giống như có một sợi dây tâm linh, dù sau này anh đã học Đại học Mỏ địa chất, rồi Kinh tế quốc dân, nhưng cuối cùng cái nghiệp sáng tác vẫn theo anh suốt cuộc đời… Giọng bùi ngùi, nhạc sĩ Trương Quý Hải chắp hai tay trước ngực khẽ vái vái rồi kể cho tôi nghe về người lính đang yên nghỉ trong ngôi mộ liệt sĩ trước mặt mình. Người lính ấy, vừa là đồng đội, vừa là anh rể họ của anh. Người lính ấy mới nhận giấy ra quân, quay lại đơn vị cũ để chia tay bạn bè đúng hôm chiến dịch diễn ra. Khoác lên mình chiếc ba lô, khẩu súng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, anh đã ngã xuống bởi một loạt đạn pháo của kẻ thù. Phải mất mấy năm sau, thủ tục công nhận liệt sĩ mới làm xong bởi trong danh sách của trung đoàn, tên của anh đã không còn trong biên chế…
Các anh về với mẹ
Giờ đây, khi đã trở về cuộc sống thường nhật, bận bịu cùng những lo toan công việc cơ quan, gia đình… nhưng khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in gương mặt mếu máo của chị Kim Thanh - một người lính tuyên văn Sư 356 năm xưa, trong buổi tối ngày 10 tháng 7 năm 2014, tại công viên Võ Thị Sáu, khi đội cựu chiến binh Sư 356 Hà Nội gồm hơn một trăm người tập trung tại đây để chuẩn bị hành quân lên Hà Giang tưởng niệm đồng đội mình đã nằm xuống mảnh đất biên viễn xa xôi này. Gương mặt hớt hải, đầm nước mắt, chị chạy ngược chạy xuôi níu áo từng người: “Các anh ơi” như vừa mất mát thứ gì vô cùng quí giá. Nghe câu chuyện giữa anh Vượng, anh Thạch, trong ban liên lạc và chị, tôi mới biết được nguyên do. Lúc xuống taxi, vì luấn quấn, chị đã để quên bọc thuốc lào và hộp muối vừng tự tay chị kì cạch giã để “mang lên cho các anh ấy”... Vâng, đó là hai thứ mà ngày xưa, mỗi lần cô bé tuyên văn Kim Thanh đến hát phục vụ các anh, hay mang đến làm quà... Và lần này cũng thế, cô bé ấy lại lên hát cho các anh nghe, lại mang quà đến cho các anh... Có lẽ do cảm xúc bồi hồi của quá khứ sống dậy đã khiến chị lấn bấn bỏ quên hai món quà mà hồi xưa, các anh rất thích... Và cũng gương mặt ấy, trên chuyến xe trở về Hà Nội của chị sao mà nhẹ nhõm, an lành, không còn nét âu lo, thảng thốt. Các anh đã về nghe chị hát, theo chị, theo đồng đội trở về với mẹ, với phố phường. Những người lính tìm đường về quê mẹ/ không bằng bàn chân mang dép cao su/ các anh bay bằng đôi cánh loài chim núi/bằng ánh sáng của vì sao vụt tắt/bằng tiếng gọi của dòng nước mắt/bằng thương nhớ quắt quay từ hai phía chân trời… Ít bữa sau, tình cờ gặp nhau, chị có trao cho tôi cuốn sổ bìa ghi “sổ công tác” của một người lính tên Trần Trung Thực. Anh hi sinh vào những ngày giáp Tết âm lịch năm 1984 tại mảnh đất Vị Xuyên bởi đạn pháo kẻ thù khi đang ở cái tuổi ngoài hai mươi đẹp nhất đời người. Cuốn sổ ghi chép những tâm sự về mẹ, về người thương, về bạn bè, về những nơi mà anh đã từng đặt chân trước khi có mặt ở mặt trận Vị Xuyên, rồi những tấm hình anh vẽ, những bài thơ về tình yêu, những bài hát... Lẫn trong đó là những con số về súng AK, đạn B40, B41, lựu đạn cầu, bi đông, bao tượng... mà trên cương vị trung đội phó, anh đã nhận và phát cho những người lính trong trung đội mình. Những dòng chữ cuối cùng anh viết, đề Nà Toong 22/12/1984 là những dòng tâm sự về nơi các anh đang chiến đấu. Đó là những trang viết xót xa khi chứng kiến mảnh đất biên cương tươi đẹp bị quân xâm lược giày xéo, phá tàn và quyết tâm của những người lính phải giành lại nó. Xin phép hương hồn anh, gia đình anh, được trích đoạn cuối của những dòng cảm xúc trước khi đất mẹ Tổ quốc dang tay đón anh vào lòng. “Chúng tôi đến đây vào cuối tháng 6 - Khi những điểm cao 1800 A, 1800 B, 1648, 1545, 1509, 1250, 1030, 772, 685, 400, 300, 233 đã bị kẻ thù chiếm đóng... Ngày ngày nhìn sang, thấy địch hoạt động mà căm thù. Chúng đánh mìn, mở đường... Từng đoàn xe tiếp tế cho các trận địa pháo và quân lính... Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” và “Của Họ vàng một khối Ta không cần. Của Ta đá một phân Ta cũng lấy”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, toàn thể chúng tôi đều nhận thức rõ âm mưu của kẻ thù cùng vai trò trách nhiệm của mình với Tổ quốc và nhân dân. Dù gian khổ và ác liệt cùng nhiều thiếu thốn. Dù phải hi sinh đến tính mạng, chúng tôi cũng quyết tâm, giữ đất và đánh địch giành đất với mong muốn một ngày không xa - đất Ta lại là của Ta - non sông vẹn toàn - và nơi đây, sẽ mãi thanh bình không còn tiếng súng giặc - Đồng bào các dân tộc lại trở về xây dựng bản làng giàu đẹp như xưa và cũng là làm giàu đẹp cho bộ mặt đất nước.”
Viết đến đây, hình ảnh cây hương trên điểm cao 468 lại chập chờn trước mắt tôi. Về quá trình làm cây hương, anh Phạm Ngọc Quyền chia sẻ, ý tưởng được bắt đầu sau những lần gia đình cùng đồng đội lên tìm xương cốt những người lính còn đang nằm lại ở các cao điểm nơi diễn ra trận mười hai tháng bảy và những trận đánh khác. Ở các sườn đồi, thung sâu, khe đá, dưới cỏ, dưới cây, không chỉ là mìn, là đất, mà còn có cả các anh, rất nhiều, đang nằm lại... Trong khi đó, đường về Nghĩa trang Vị Xuyên trên dưới bốn chục cây chứ ít ỏi gì… Cần phải có một nơi để vong linh các anh nghỉ ngơi, nhận tấm lòng tưởng nhớ của những người còn sống được những cựu chiến binh Yên Bái kết hợp cùng cựu chiến binh Hà Nội quyết định làm. Sau khi khảo sát, các anh chọn làm cây hương ở điểm cao 468. Hơn nửa năm trời lặn lội vất vả, không quản nắng mưa, sớm tối, đi đi, về về mấy trăm cây số, gõ cửa từng nhà, từng cơ quan... để xin phép xây dựng cây hương, cuối cùng các anh cũng được toại nguyện. Vậy là bắt tay vào làm. Cái nghĩa tình đồng đội ấy, được các công ty, đơn vị trên địa bàn ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Công ty trách nhiệm Cường Thịnh khai thác đá ở khu vực Thanh Thủy ở gần đó đã tài trợ đá, cát, xi măng, vận chuyển lên tận nơi để làm đường đi lên. Rồi đại đội cơ động của bộ đội Biên Phòng… Mất thêm hơn hai tháng nữa, cây hương được xây dựng xong. Sắp tới, đoàn cựu chiến binh dự định sẽ xây thêm một ngôi nhà nhỏ để gia đình, đồng đội, khách thập phương lên thắp hương cho các anh có chỗ trú mưa, tránh nắng…
Vâng, đồng đội luôn nhớ đến các anh, quê hương, gia đình mong chờ các anh… Con cháu Lạc Hồng muôn đời ghi ơn các anh, những người đã không tiếc máu xương, giữ vẹn hương hỏa của tổ tiên nơi cương thổ phía Bắc xa xôi của Tổ quốc./.
Hà Giang, tháng 7 năm 2014
Bút ký: HÙNG DŨNG
Ý kiến bạn đọc