Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em
BHG- Mùa hè, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thay đổi thất thường; độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho virút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp (VĐHH) ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là trẻ em.
VĐHH không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm Amidan, viêm phế quản, viêm phổi..., với triệu chứng dễ nhận biết như: Sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nếu bị nặng sẽ gây khó thở hoặc co giật...
Điều lưu ý, ở trẻ em, khi bị VĐHH thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Thân nhiệt thường là 390C trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, trẻ hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Sau đó trẻ sẽ bị chảy nhiều dịch mũi, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.
VĐHH cấp xảy ra ở trẻ với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do cơ thể của trẻ yếu nên có sự miễn dịch kém hoặc do tác động từ môi trường, không khí, hoặc do vi khuẩn kí sinh... Bệnh có thể tự khỏi xong cũng để lại những biến chứng liên quan đến các bệnh khác như viêm mũi họng, viêm phổi...nếu không được phòng, chữa bệnh kịp thời.
Bệnh VĐHH là một bệnh thường gặp, dễ điều trị tuy nhiên hay tái phát. Do vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý để có những biện pháp chăm sóc đúng cách đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhằm hạn chế mức thấp nhất trẻ bị bệnh VĐHH trong mùa nắng nóng. Đặc biệt các bậc phụ huynh cần lưu ý khi thời tiết nắng nóng, không nên cho trẻ ra ngoài nắng nhất là lúc nắng gay gắt. Không cho quạt quay thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc đang nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch vượt quá xa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người. Tăng cường dinh dưỡng đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau, củ, quả. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ, đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Tiêm phòng vắc xin để phòng, chống các loại bệnh cho trẻ. Khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 37,5ºC cần làm giảm thân nhiệt cho trẻ bằng cách chườm ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Trường hợp nhiệt độ của trẻ không giảm, nhưng chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh ngay, có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt loại paracetamol theo liều dùng trung bình là 10 đến 15mg/kg cân nặng của trẻ/lần, cứ sau 4 giờ cho uống 1 lần. Cần theo dõi nếu thấy trẻ mệt mỏi, quấy khóc nhiều thậm chí có khó thở, môi tím tái và rối loạn tiêu hóa như: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, nên cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Biên soạn: Ngọc Ánh (Trung tâm TT/GDSK)
Ý kiến bạn đọc