Xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Quản Bạ: Đang đi đúng lộ trình
BHG- Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, toàn huyện có 13 xã, thị trấn thì có tới 11 xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ T.Ư tới địa phương và sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả tốt trên mọi lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục có sự phát triển ổn định, công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án đúng tiến độ, yêu cầu đề ra; hầu hết các chỉ tiêu trên các lĩnh vực KT-XH và chương trình giảm nghèo có hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng huyện Quản Bạ ngày càng phát triển. Nhờ đó, kết thúc năm 2014, lương thực bình quân đầu người đạt trên 600kg/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm 31,3% xuống còn 24,27%. Cùng với đó, huyện còn đào tạo, giải quyết việc làm cho trên 3.400 lao động...
Để có được những kết đó là do ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Quản Bạ đã thực hiện đúng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư và tỉnh. Huyện đã tập trung quán triệt, chỉ đạo triển khai đến tất cả các xã, thị trấn, từng thôn, bản, tổ dân phố và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời hàng năm đều ban hành các Quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH, phát động phong trào thi đua và triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững theo đúng lộ trình. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực từ những chương trình, dự án, như: Nghị quyết 30a của Chính phủ; Chương trình 134, 135, 167 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM... Trong thời gian qua, huyện đã hỗ trợ gần 14.000 triệu đồng về giống cây trồng, vật nuôi bằng nhiều phương án khác nhau, như: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho bà con mua giống cây trồng, vật tư phân bón nhằm đẩy mạnh việc đưa giống ngô lai vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cây trồng của huyện đạt khá cao so với các huyện trong vùng. Tổng sản lượng lương thực năm 2014, tăng trên 3.000 tấn so với năm 2010. Ban hành chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư có thu hồi trong phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa gắn với xây dựng NTM nhằm tăng thu nhập cho người dân đã, đang phát huy hiệu quả và bắt đầu nhân rộng mô hình ra diện rộng. Cùng với đó, qua thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, xuất khẩu lao động và cho học sinh, sinh viên vay đi học từ năm 2011 tới nay được gần 122.000 triệu đồng/7.118 lượt hộ. Mở hơn 180 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 6.000 học viên trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện xấp xỉ 9.400 triệu đồng. Hỗ trợ gần 6.200 triệu đồng cho 440 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo xóa nhà tạm từ nguồn vốn theo Nghị quyết 167 và Chương trình Mùa xuân hướng về vùng cao Hà Giang... Không chỉ vậy, thời gian qua huyện còn thực hiện rất tốt việc xã hội hóa công tác giảm nghèo nên từ năm 2011 tới nay từ các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân cho xóa đói, giảm nghèo trên 55.000 triệu đồng để xây dựng trường học, xóa nhà tạm, nâng cấp trang thiết bị y tế, mua con giống và hỗ trợ học sinh...
Từ những kết quả thiết thực, mang lại hiệu quả to lớn đối với đồng bào nghèo của huyện Quản Bạ cho thấy, chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư đúng mục đích, đối tượng và phát huy hiệu quả. Nguồn lực của chương trình giảm nghèo giúp cho các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn có bước phát triển đáng kể; tỉ lệ đói, nghèo giảm mạnh. Các chính sách, dự án, đề án giảm nghèo đã tác động mạnh mẽ đến người nghèo có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bước sang năm 2015, cũng là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ; huyện Quản Bạ đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm. Để đạt được điều đó, huyện tiếp tục mở rộng và ban hành thêm những chính sách hỗ trợ sản xuất cho bà con chăn nuôi gia súc hàng hóa; phát triển cây dược liệu; chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém năng suất sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Chỉ đạo duy trì, phát huy hiệu quả các Tổ dịch vụ, Nhóm sở thích trong sản xuất và đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết hợp tác phát triển cây dược liệu của các HTX cộng đồng. Triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hình thức đầu tư có thu hồi đã phát huy hiệu quả, nhằm tăng thu nhập cho người dân góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Phi Anh
Ý kiến bạn đọc