Cần thực hiện tốt hơn nữa việc đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm
HGĐT- Gần 3 năm Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do... có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh có 4 Dự án di chuyển dân được phê duyệt, 2 dự án đang thẩm định.
Đây là nỗ lực lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của tỉnh, tuy nhiên tỉnh ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể nên chưa xác định chính xác nguồn vốn và chiến lược lâu dài để đưa dân đến nơi an toàn.
Kết quả đạt được
Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ ra đời nhằm quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư ở vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, vùng biên giới, hải đảo, vùng xung yếu, rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Tinh thần xuyên suốt của Quyết định 193 là ổn định, nâng cao đời sống người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tác động của thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần XĐGN, bảo vệ môi trường... Nguyên tắc thực hiện là bố trí dân cư theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của từng vùng, trọng tâm là quy hoạch sản xuất gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; ưu tiên bố trí dân cư để phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, Quốc phòng vùng miền núi, dân tộc. Bố trí dân cư phải tập trung, có trọng điểm, đi đôi với ổn định đời sống, phát triển sản xuất, nơi ở mới điều kiện sống tốt hơn nơi cũ.
Do tính chất cấp bách và quyết tâm kiềm chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị tập trung xây dựng dự án di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến nay, đã có 4 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư theo dự toán trên 36,5 tỷ đồng. Trong đó, dự án di chuyển dân đến thôn Làng Giang, Nậm Nghí xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), tổng vốn đầu tư trên 20,4 tỷ đồng; Kho Là xã Minh Sơn (Bắc Mê) trên 4,2 tỷ đồng; Cốc Pài (Xín Mần) gần 7 tỷ đồng và Du Tiến (Yên Minh) trên 4,8 tỷ đồng. Các dự án này được triển khai sẽ bố trí 176 hộ dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến sinh sống tại vùng dự án được xác định đủ điều kiện an toàn, thuận lợi phát triển KT-XH, ổn định dân cư. Ngoài ra, còn dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm thị xã Hà Giang và thôn Đán Khao, xã Bản Ngò (Xín Mần) với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng đang trong quá trình thẩm định.
Sau một thời gian triển khai, dự án di dân thôn Kho Là cơ bản đã hoàn thành các hạng mục đầu tư như hệ thống đường, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá, trụ sở thôn, điểm trường, nhà lưu trú giáo viên... Đã hoàn thành việc di dời 50 hộ, 255 khẩu về nơi ở mới với điều kiện tốt hơn nơi ở cũ để người dân yên tâm sản xuất. Còn dự án di chuyển dân thôn Làng Giang, Nậm Nghí, tổng diện tích quy hoạch gần 299 ha, dự kiến đến năm 2010 sẽ bố trí chỗ ở cho 40 hộ, 207 khẩu từ nơi nguy hiểm đến tái định cư tại vùng dự án nằm bên bờ phải suối Tả Quan. Ngay khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình trong khu tái định cư. Đến nay đã hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng 4 công trình thuỷ lợi, đang triển khai thi công các tuyến đường giao thông vào khu dân cư, đã có 30 hộ đăng ký xuống tái định cư, tổ chức cho 20 hộ dân bốc thăm vị trí lô đất làm nhà. Đối với dự án di dân thôn Đán Khao, mặc dù chưa thẩm định xong nhưng huyện Xín Mần đã tổ chức di dời 13 hộ từ thôn Đán Khao 1 đến nơi ở mới tại khu tái định cư tập trung thôn Đán Khao 2... Cho đến nay có 63 hộ dân từ vùng nguy hiểm đã đến nơi an toàn thuộc các dự án trên.
Cần thực hiện tốt hơn nữa
Hơn 3 năm thực hiện Quyết định 193, với nỗ lực của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, có 6 dự án được hình thành đã thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh. Do đặc thù cấu tạo địa chất, tỉnh ta có nhiều khu vực nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Ngoài những thôn, xóm nằm trong vùng nguy hiểm đã được xác định, vẫn còn nhiều hộ đơn lẻ nằm ở vị trí có độ dốc lớn, dễ sạt lở. Nhìn từ năm 2000 trở lại đây, chưa năm nào tỉnh ta được “thảnh thơi” không phải lo đối mặt với thảm hoạ của thiên tai. Các đợt lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đã vùi lấp nhiều nhà cửa, tính mạng người dân. Năm nào ít thì vài căn nhà, vài mạng người bị đất đá vùi lấp, nhiều có thể lên tới hàng chục. Từ đầu mùa mưa đến nay các đợt lũ, lụt, sạt lở đất đã khiến hàng chục người thiệt mạng, nhiều ngôi nhà, tài sản, hoa màu của nhân dân bị vùi lấp trong đất, đá...giá trị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Với đặc điểm cư trú và tập quán canh tác của phần lớn người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đồng bào thường dựng nhà ven triền núi, cạnh sông, suối nên luôn phải đối mặt với thảm hoạ thiên nhiên. Theo điều tra, khảo sát của Viện Khoa học địa chất, tỉnh ta có nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, cấp độ nặng nhất là các huyện Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Trong đó, xã Du Tiến, Du Già, Ngọc Long, Ngăm La, Na Khê, Hữu Vinh, Bạch Đích (Yên Minh) nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao; Bản Díu, Ngán Chiên, Trung Thịnh (Xín Mần) nằm trong vùng báo động nguy cơ sạt lở. Ngoài 3 huyện trên còn các xã Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Cao Bồ, Thượng Sơn, Thuận Hòa (Vị Xuyên) cũng dễ bị sạt lở; Minh Sơn (Bắc Mê) thuộc diện nguy cấp về sạt, lở. Những địa bàn trên thuộc vùng đất có kiến tạo thấp, độ trơn, trượt cao... Như vậy, việc di chuyển dân là cấp bách. Nhưng vấn đề quy hoạch tổng thể các vùng định cư mới lại rất khó khăn do mặt bằng hiếm. Mặt khác, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thường làm nhà gần nương, rẫy để tiện canh tác nên khó vận động người dân về nơi định cư mới.
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy sự cần thiết phải có chiến lược quy hoạch, bố trí dân cư hợp lý và tỉnh ta đã, đang triển khai. Tuy nhiên đến nay, tỉnh ta chưa có quy hoạch tổng thể về bố trí dân cư đến 2010 và định hướng 2015 nên chưa tính toán cụ thể nguồn lực cần để triển khai chương trình. Kết quả giám sát mới đây của HĐND tỉnh cũng khẳng định ở một số dự án đang triển khai còn nhiều yếu tố không hợp lý. Cụ thể ở dự án di dân tái định cư thôn Làng Giang, chủ dự án mới chỉ triển khai phần xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến mục tiêu chính của dự án là di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Mặt khác tại khu tái định cư, địa hình dốc, ta-luy cao, một số vị trí dự kiến bố trí làm nền nhà vẫn có nguy cơ sạt lở... Còn tại thôn Kho Là, nơi ở mới không thể bố trí đủ diện tích đất sản xuất cho các hộ di chuyển đến, nhiều hộ phải về nơi ở cũ canh tác; chưa làm tốt công tác quy hoạch ngay từ đầu nên việc định vị làm nhà cho dân không đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trước khi dừng bài viết, xin được mượn ý kiến của đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả thực hiện Quyết định 193 thay lời kết: Với điều kiện đặc thù địa hình của tỉnh không thể đủ mặt bằng xây dựng khu tái định cư tập trung nên cần coi trọng cả việc lập dự án theo hình thức bố trí dân cư xen ghép. Mặt khác, mức hỗ trợ cho các hộ dân di dời khỏi vùng nguy hiểm chỉ có 10 triệu đồng/hộ vì vậy cần lồng ghép thêm vốn các dự án khác vào vùng dự án bố trí dân cư nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân... Có như vậy, các dự án đưa dân từ vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn mới thực sự là vùng đất lý tưởng để người dân yên tâm sản xuất, ổn định dân cư, xây dựng cuộc sống mới.
Ý kiến bạn đọc