Vì sao việc đền bù GPMB xây dựng trung tâm huyện Quang Bình: Vẫn còn khiếu kiện?

15:30, 23/07/2008

(HGĐT)- 5 năm triển khai xây dựng, trung tâm huyện Quang Bình đã mang dáng dấp một đô thị miền núi hiện đại. Có kết quả đó, khoảng 260 hộ dân đã di dời nhà cửa, hoa màu nhường chỗ để xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, vẫn còn nhiều hạng mục công trình thi công dở dang do một số hộ dân không nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng và liên tục có đơn khiếu nại vượt cấp. Vì sao như vậy? Tìm hiểu vấn đề này chúng tôi đã trở lại Yên Bình - mảnh đất được nhận định “không bình yên”!


 
 Ngôi nhà của ông Lù Dìn Hòa được dựng lại ở nơi định cư mới sau khi đã bàn giao mặt bằng cho huyện.

Mấy năm qua, các cơ quan chức năng của huyện Quang Bình, của tỉnh và T.Ư liên tục nhận được đơn và tiếp đoàn người “đi hỏi” về các vấn đề liên quan đến bồi thường GPMB xây dựng trung tâm huyện. Các nội dung “hỏi” tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề lớn gồm: Hội đồng bồi thường - GPMB huyện áp giá đền bù quá thấp; lấy đất không có quyết định thu hồi; quyết định thu hồi đất không đúng với số ô, số thửa ghi trong giấy chứng nhận QSD đất; sự bất nhất trong các quyết định thu hồi đất. Những vấn đề người dân “hỏi” đã được các ngành chức năng từ huyện đến tỉnh trả lời nhiều lần từ gặp gỡ, trao đổi đến bằng văn bản nhưng họ vẫn không đồng ý, không nhận tiền bồi thường, không chuyển đến nơi tái định cư để bàn giao mặt bằng…


Quá trình tìm hiểu, xác minh những nội dung khiếu nại, chúng tôi nhận thấy: Huyện Quang Bình được thành lập ngày 1.12.2003 theo Nghị định số 146/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 22.12.2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3514 quy hoạch chung huyện lỵ Quang Bình. Để có đất xây dựng trung tâm huyện, 260 hộ dân thôn Phố Mới, Yên Trung, Yên Hạ, Bản Yên phải di dời đến nơi định cư mới. Ngay khi bắt tay vào kiến thiết trung tâm huyện, Quang Bình xác định: GPMB luôn là vấn đề nhạy cảm vì vậy phải làm chặt chẽ, đúng quy trình, việc thu hồi đất phải tính toán có lợi cho dân nhưng không sai quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến khi triển khai lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của một số hộ dân. Thời gian đầu, rất nhiều hộ tham gia khiếu nại, khi được giải thích, hiểu vấn đề họ đã nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng vẫn còn 1 nhóm hộ liên tục khiếu nại, không đồng tình với cách giải quyết của huyện.


Quá trình thu hồi đất, Hội đồng bồi thường - GPMB huyện đã thống nhất áp dụng đơn giá theo Quyết định 1480/QĐ-UB ngày 23.11.1996 của UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích QP-AN, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; bộ đơn giá theo Quyết định 2487 ngày 24.8.2004 của UBND tỉnh quy định tạm thời giá đền bù đất tại trung tâm huyện Quang Bình. Như vậy, mức giá được thực hiện là 15 nghìn đồng/m2 đất ở; 3.150 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm. Bên cạnh đó, UBND huyện Quang Bình ban hành Quyết định 316/QĐ-UB ngày 27.5.2004 quy định tạm thời về thu hồi đất và giá đất ở tại trung tâm huyện. Theo tinh thần của quyết định này, mỗi hộ gia đình có đất bị thu hồi được giao tối đa không quá 4 ô đất ở và diện tích mỗi ô bình quân không quá 90m2. Gia đình nào bị thu hồi từ 1.000m2 - dưới 2.000m2 đất nông nghiệp được cấp 1 ô đất ở, không thu tiền sử dụng đất, diện tích còn lại được tính toán đền bù bằng tiền. Sau đó, BTV Huyện ủy Quang Bình thống nhất cấp trả lại đất thổ cư đối với các hộ bị thu hồi 400m2 đất thổ cư là 4 ô đất, trong đó 3 ô cấp liền nhau còn lại 1 ô cấp ở vị trí khác. Các gia đình phải di dời được Hội đồng bồi thường - GPMB hỗ trợ 700 nghìn đồng. Việc áp dụng giá đền bù của huyện đúng quy định của pháp luật và các quyết định, văn bản của tỉnh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận mức giá đó thấp, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nhưng không phải do huyện tự tiện làm vậy. Tại thời điểm đó tình hình ngân sách của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh chưa ban hành kịp thời đơn giá đất mới cho phù hợp theo từng năm. Nhưng, huyện Quang Bình đã có Quy định tạm thời về đơn giá đất và giá được áp dụng cao gấp hàng chục lần so với giá trong Quyết định 1480.


Từ những căn cứ trên, đối chiếu vào từng trường hợp có đơn khiếu nại cho thấy: Hộ ông Hoàng Văn Thắng, Nhà nước thu hồi 15.100m2, gia đình ông được giao 5 ô đất (4 ô đất ở, 1 ô đất nông nghiệp), không thu tiền sử dụng đất và được bồi thường, hỗ trợ di dời gần 107 triệu đồng. Gia đình ông Phí Văn Mười, Nhà nước thu hồi 1.243m2, diện tích trong quyết định thu hồi 1.091m2 làm sân vận động 3 trường, diện tích nằm trong quy hoạch đã kiểm kê để làm đường trục 13 nhưng chưa có quyết định thu hồi là 152m2 đất vườn tạp. Đổi lại, gia đình ông Mười được giao 2 ô đất (1 ô đất ở, 1 ô đất vườn), không thu tiền sử dụng đất và được bồi thường đất nông nghiệp, tổng số tiền gia đình ông Mười được đền bù, hỗ trợ di chuyển trên 13,5 triệu đồng. Gia đình bà Hoàng Thị Kim, Nhà nước thu hồi 4.240m2, bà được giao lại 5 ô đất cùng với số tiền đền bù trên 50,4 triệu đồng… Việc giải quyết chế độ cho các hộ gia đình hoàn toàn hợp lý, đúng với trình tự quy định của luật pháp, phù hợp thực tế của địa phương, có lợi cho dân.


Căn cứ vào thực tế triển khai các dự án, Hội đồng bồi thường - GPMB huyện tiến hành đo đếm, tính toán khối lượng, ra quyết định thu hồi đất của từng gia đình nằm trong phạm vi quy hoạch. Chẳng hạn như diện tích đất của gia đình ông Hoàng Tiến Ngân, trú tại thôn Yên Trung, nằm trong khu quy hoạch xây dựng trung tâm huyện. Ngày 9.6.2004, UBND huyện ra Quyết định số 337 thu hồi 266m2 đất trồng lúa của gia đình ông để làm khu dân cư C1,2,3; ngày 26.5.2005, UBND huyện ra Quyết định số 969 thu hồi 3.719m2 (400m2 đất thổ cư, 3.319m2 đất vườn tạp) để xây dựng nhà làm việc Huyện ủy và đến ngày 12.4.2006, UBND huyện tiếp tục ra Quyết định số 556 thu hồi 490m2 đất (207m2 đất trồng cây lâu năm, 35m2 đất trồng lúa, 248m2 đất nuôi trồng thuỷ sản) để làm đường trục 3, đoạn 3 (km0+733,2)… Việc thu hồi đất đối với các hộ gia đình trong phạm vi quy hoạch cũng được tiến hành theo đúng trình tự, đúng luật như gia đình ông Ngân.


Trong số 260 hộ dân có liên quan đến đền bù GPMB xây dựng trung tâm huyện chỉ còn một số hộ như gia đình ông Phí Văn Mười, thôn Phố Mới; bà Vũ Yến Vinh, ông Hoàng Văn Thắng, thôn Luổng có đất nằm trong Dự án xây dựng sân vận động 3 trường và phần mặt bằng thu hồi bổ sung trường PTDT Nội trú đã được các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh trả lời nhiều lần nhưng vẫn không chấp nhận buộc huyện phải cưỡng chế. Đến nay, các hộ này vẫn khiếu nại, họ cho rằng huyện lấy đất làm sân vận động không có quyết định thu hồi. Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy: Căn cứ vào Quyết định số 2881 ngày 1.10.2004 của UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình san ủi mặt bằng sân vận động 3 trường; Quyết định số 3653/QĐ-UBND ngày 2.12.2004 của UBND tỉnh thu hồi, giao đất cho BQL thực hiện các dự án đầu tư xây dựng huyện Quang Bình: Tổng diện tích đất thu hồi xây dựng sân vận động 3 trường là 26.460m2. Trong đó, đất lúa 772m2, đất vườn tạp 13.462m2, đất rừng 8.594m2, đất thổ cư 2.400m2, đất chuyên dùng 1.232m2. Ngày 11.5.2005, UBND huyện Quang Bình đã ban hành quyết định thu hồi đất chi tiết cho từng hộ có đất nằm trong phạm vi quy hoạch. Cụ thể hộ ông Hoàng Văn Thắng là 11.325m2; hộ ông Phí Văn Mười 1.091m2 đất vườn tạp; hộ bà Vũ Yến Vinh 3.359,5m2… Vì vậy, khiếu nại của người dân về việc huyện thu hồi đất không có quyết định là không đúng.


Việc người dân khiếu nại quyết định thu hồi đất khống, không đúng thực tế, không đúng giữa số thửa, tờ bản đồ của quyết định thu hồi đất với số thửa, tờ bản đồ ghi trong Giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho các gia đình. Nguyên nhân dẫn đến việc này do năm 1995 xã Yên Bình (Bắc Quang) được đo đạc, lập bản đồ giải thửa 299 phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ gia đình. Trong quá trình sử dụng, hiện trạng đất có nhiều biến động, không được chỉnh lý, các tài liệu, bản đồ không đủ điều kiện trích lục lập hồ sơ thu hồi và giao đất xây dựng công trình trung tâm huyện theo quy hoạch. Để đảm bảo độ chính xác trong công tác lập hồ sơ thu hồi đất, bồi thường GPMB giao đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, UBND huyện đã lập luận chứng kinh tế kỹ thuật đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1.000. Các vị trí thửa đất trên bản đồ mới được lập năm 2004 đều trùng với vị trí thửa đất của các hộ đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Bản đồ mới được lập theo phương pháp chia mảnh, do đó ký hiệu số thửa, số tờ bản đồ đất mới không trùng với ký hiệu số thửa và bản đồ đã được cấp theo Giấy chứng nhận QSD đất cho các hộ. Chẳng hạn như trong Quyết định thu hồi đất đối với hộ bà Vũ Yến Vinh ghi thu hồi 1 phần thửa 90, tờ bản đồ 05 nhưng trong sổ đỏ ghi thửa 180, tờ bản đồ số 24; Quyết định thu hồi đất đối với hộ bà Hoàng Thị Kim ghi thu hồi một phần thửa 116, tờ bản đồ 05 nhưng trong sổ đỏ của bà Kim ghi thửa 179, 246, 240, 301, 306, 313, 208, 314, 311, 575E… Thực chất chỉ khác nhau về số tờ, thửa nhưng vị trí đất, toạ độ và diện tích không thay đổi. Điều gây hiểu lầm là khi ra quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình cán bộ huyện chỉ ghi số thửa, tờ bản đồ theo bản đồ mới nhưng không ghi rõ tương đương với số thửa bao nhiêu, tờ bao nhiêu của bản đồ cũ nên người dân không hiểu và cho rằng có sự mờ ám.


Hiện nay, đa phần các hộ dân đã thực hiện nghiêm chỉnh chính sách đền bù, GPMB ổn định đời sống ở nơi định cư mới. Tuy nhiên cũng phải khẳng định trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhiều cán bộ đã tắc trách không giải thích cặn kẽ cho dân nên đã để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài. Mặt khác, tại một số quyết định, văn bản của huyện khi ban hành không thống nhất về tên gọi, khi gọi sân vận động 3 trường, khi gọi sân vận động trung tâm huyện. Tuy khác nhau về tên gọi còn thực tế vẫn là một địa điểm nhưng khi ký quyết định thu hồi, lãnh đạo huyện không thẩm định kỹ, không phát hiện sự bất nhất giữa tên gọi nên đã gây hiểu lầm trong dân.


Đền bù, GPMB luôn là vấn đề nhạy cảm bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân. Vẫn biết đất đai là công thổ Nhà nước giao cho dân quản lý, sử dụng, Nhà nước có quyền thu hồi khi cần thiết nhưng khi thu hồi phải tuyên truyền, vận động, giải thích rõ cho dân hiểu, đảm bảo đúng quyền lợi của dân. Cách làm của Quang Bình trong GPMB xây dựng trung tâm huyện là hợp lý nhưng việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai không chặt chẽ về nội dung văn bản nên gây bức xúc trong dân. Vì vậy, huyện Quang Bình cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để khi văn bản, quyết định được ban hành có tính pháp lý cao, tránh khiếu kiện nảy sinh do thiếu chặt chẽ, chưa thống nhất về phương pháp thực hiện.


Trước khi bài báo được lên khuôn, chúng tôi nhận được thông tin: Gia đình ông Hoàng Ngọc Chi, thôn Phố Mới trước đây cũng là một trong những hộ bị cưỡng chế, di dời nay đã tự nguyện hiến 572m2 đất cho huyện để xây dựng các công trình. Mong rằng sẽ có nhiều hộ thực hiện tốt chính sách đền bù GPMB và có tấm lòng nghĩa cử như gia đình ông Chi.


Th.Thanh - P.Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ động phòng, chống lụt bão
(HGĐT)- Thiên tai hay diễn biến bất thường, ít theo quy luật nhất định, nếu chủ quan lơ là sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường.
27/06/2008
Gia đình Việt Nam đang biến động lớn
Đây là một phần nội dung trong kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006 vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố sáng nay.
27/06/2008
Quản Bạ: Mưa lớn làm sạt trên 1km đường
(HGĐT)- Đêm 20, rạng ngày 21.6, do mưa lớn kéo dài, tuyến đường nối trung tâm huyện Quản Bạ với các xã Thanh Vân, Nghĩa Thuận và Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận đã bị sạt lở 1km.
25/06/2008
Khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em
(HGĐT)- Khi phượng nở đỏ sân trường báo hiệu mùa hè tới, các em học sinh tạm xa mái trường, xa lớp học thân yêu về nghỉ 3 tháng hè với gia đình. Đây là dịp để các em nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm miệt mài học tập. Vậy khi về với gia đình, sinh hoạt tại địa phương, các em có được sinh hoạt, vui chơi để thực sự có kỳ nghỉ hè bổ ích không?
23/06/2008