Chủ động phòng, chống lụt bão
(HGĐT)- Thiên tai hay diễn biến bất thường, ít theo quy luật nhất định, nếu chủ quan lơ là sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường.
Với địa bàn miền núi cao, dốc, nơi thượng nguồn các con sông, suối, địa hình bị chia cắt mạnh, ở tỉnh ta đã xảy ra không ít trận gió lốc, sạt lở đất đá, lũ quét... gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong khi loài người chưa thể “trị” được thiên tai thì chúng ta phải chấp nhận sống chung với chúng.
Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, có phương án, kế hoạch chủ động đối phó khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả kịp thời sẽ hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Mùa mưa bão đã đến, công tác phòng, chống thiên tai càng phải được đề cao, coi đó là nhiệm vụ chung của Nhà nước và toàn dân. Tỉnh cũng rất quan tâm tới vấn đề này, ngày 24.6 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 1831/UBND-NLN “V/v tăng cường các biện pháp PCLB và khắc phục hậu quả thiên tai”.
Để giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, thiết nghĩ đến thời điểm này, các cấp, ngành đã có kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện để phòng, chống bão lũ và giảm nhẹ thiên tai cụ thể, thiết thực. Những nơi nguy hiểm, có độ dốc lớn, gần sông suối, thường xảy ra lũ ống, lũ quét phải chủ động có phương án di dời nhà cửa và người dân đến nơi an toàn nhất là khi có mưa lớn, kéo dài. Trong mùa mưa lũ phải bố trí người trực 24/24h để chủ động nắm chắc diễn biến thời tiết, phát hiện kịp thời sự cố do thiên nhiên gây ra và có phương án đối phó kịp thời làm giảm hậu quả thiên tai và kiên quyết giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Khi có sự cố xảy ra phải khẩn trương cứu người trước rồi mới đến tài sản. Sau thiên tai, chú ý tới vấn đề làm vệ sinh môi trường, tiến hành khử trùng, tránh dịch bệnh phát triển.
Ý kiến bạn đọc