Cải tạo vườn tạp, vươn lên làm giàu

20:25, 12/03/2024

BHG - Từ những mảnh vườn tạp cho hiệu quả kinh tế thấp, nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh, nhiều hộ nông dân đã cải tạo thành những mô hình kinh tế tổng hợp gắn với ứng dụng KHKT vào sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Là một trong những mô hình cải tạo vườn mẫu đem lại giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, mô hình cải tạo vườn tạp (CTVT) của gia đình chị Phạm Tuyết Chung, thôn 1 Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn là mô hình kết hợp giữa vườn, ao, chuồng nhằm tận dụng tối đa lợi thế đất vườn rộng của gia đình. Với tổng diện tích trên 3.000 m2, được chia làm 4 khu, gồm khu chăn nuôi lợn, gà, vườn trồng rau xanh theo mùa, vườn trồng cây ăn quả và ao nuôi cá. Với số vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng kết hợp với 100 triệu đồng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và lắp đặt hệ thống biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện, gia đình chị thường xuyên duy trì đàn lợn trên 100 con và đàn gà trên 150 con. Khu vực trồng cây ăn quả được gia đình trồng bưởi, mận, chanh; vườn rau thường xuyên trồng các loại rau xanh theo mùa để phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài ra, với diện tích mặt nước trên 500 m2, chị thả các loại cá như Trắm, Chép, Rô phi... Bình quân mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp đem lại cho gia đình nguồn thu trên 200 triệu đồng.

Mô hình cải tạo vườn tạp trồng Dâu tây của người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng Dâu tây của người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).

Chị Phạm Tuyết Chung chia sẻ: Diện tích đất vườn của gia đình tôi khá rộng, tuy nhiên trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ và trồng vài cây ăn quả để phục vụ nhu cầu của gia đình, giá trị kinh tế đem lại không cao. Từ năm 2021, được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng để tiến hành cải tạo vườn. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ chuyên môn, khu vườn của gia đình được bố trí hợp lý, khoa học, chất thải chăn nuôi được xử lý theo quy trình khép kín. Mô hình vườn, ao, chuồng cũng đem lại những hiệu quả nhất định như tăng hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất, tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng được một lượng lớn phân hữu cơ để làm khí đốt và bón cho cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất. Nhờ CTVT theo đề án của tỉnh đã giúp gia đình tôi có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, đến hết 2023, toàn tỉnh có 6.495 hộ thực hiện, với tổng diện tích vườn đã cải tạo là 262 ha. Trong đó có 3.030 hộ được thụ hưởng theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân cho các hộ vay vốn với kinh phí trên 90 tỷ đồng. Qua theo dõi, đánh giá các tiêu chí theo Đề án CTVT của UBND tỉnh, có 2.063 vườn đạt 4/4 tiêu chí, chiếm 88,5% số hộ thực hiện. Đặc biệt, huyện Vị Xuyên có 220 hộ/545 hộ vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh thực hiện CTVT đã thoát nghèo.

Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, đem lại thu nhập ổn định.
Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, đem lại thu nhập ổn định.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện trên 700 hộ nghèo, cận nghèo CTVT, tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, lợn, dê, trồng rau, củ, quả, dược liệu. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có tối thiểu từ 10 hộ thực hiện cải tạo vườn mẫu trở lên, ưu tiên thực hiện CTVT gắn với phục vụ du lịch. Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, các huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ nghèo, cận nghèo có diện tích vườn tạp đảm bảo theo tiêu chí của đề án. Chú trọng công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% số hộ trước khi thực hiện CTVT đều được phổ biến chủ trương nghị quyết, chính sách, mục tiêu của đề án trước khi thực hiện. Hướng dẫn người dân các điều kiện, thủ tục để vay vốn ưu đãi theo chính sách của tỉnh đối với các hộ đủ điều kiện. Huy động sự tham gia đóng góp về ngày công, cây, con giống, vật tư nông nghiệp từ các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo CTVT.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Ngành sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật CTVT cho các hộ tham gia theo hình thức “Cầm tay chỉ việc và phương pháp lớp học thực hành trên đồng ruộng”. Chú trọng hướng dẫn nhân dân cách lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, có giá trị kinh tế, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, để có thời gian quay vòng vốn nhanh. Làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả; hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp sản xuất theo chương trình IPM, IPHM, sản xuất theo GAP để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm. Thường xuyên đánh giá chất lượng vườn cải tạo theo các tiêu chí nhằm đưa chương trình CTVT ngày càng đi vào thực chất, đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Bài, ảnh: YÊN HOA

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mảnh vườn trù phú của lão nông Hoàng Thế Diện
BHG - Bốn mùa trong năm, mảnh vườn trồng rau của gia đình ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) luôn tốt tươi, mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm gần 150 triệu đồng. Đây là kết quả bước đầu sau khi ông thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mô hình trồng rau của gia đình ông được đánh giá là tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này
29/10/2022
Những hình ảnh đẹp cải tạo vườn tạp ở Thài Phìn Tủng
BHG - Thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp, thời gian qua người dân huyện Đồng Văn đã tận dụng và phát huy tốt nhiều diện tích vườn đồi. Trồng gừng xen canh dưới tán lê là một cách làm được người dân ở thôn Khí Lé, xã Thài Phìn Tủng áp dụng. Sau những ngày tháng vất vả lao động, mùa Xuân, khi những cành đào, cành lê bung sắc hoa cũng là lúc bà con người Mông thu hoạch những khóm gừng già thơm để xuất ra thị trường. Cải tạo vườn tạp không chỉ là việc trồng những cây trồng mới, mà còn là cách người dân biết phát huy tối đa hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích để tăng thêm thu nhập.
28/02/2023
Kho K64 hưởng ứng hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp
BHG - Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với địa phương cũng như các đơn vị LLVT trong tỉnh. Kho K64, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực triển khai đẩy nhanh tiến độ, tích cực cải tạo vườn tạp giúp người dân thoát nghèo bền vững.
27/03/2022
Yên Minh linh hoạt cải tạo vườn tạp
BHG - Theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh và Đề án cải tạo vườn tạp (CTVT) của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu cải tạo 6.500 vườn tạp, trong đó huyện Yên Minh cải tạo ít nhất 270 vườn (100 vườn của hộ nghèo, 170 vườn hộ cận nghèo). Với sự vào cuộc quyết liệt và cách làm linh hoạt, hết năm 2021 toàn huyện đã có 342 hộ CTVT.
24/03/2022