Cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế
BHG - Bằng cách làm cụ thể, sáng tạo, chương trình cải tạo vườn tạp (CTVT) được các hộ dân trên địa bàn huyện Quang Bình tích cực tham gia. Đặc biệt, ở một số xã còn xây dựng thành thôn kiểu mẫu, vườn mẫu trong CTVT, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân tiếp cận thị trường, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Mô hình trồng và chăm sóc cây thanh long của thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình). |
Từ ngày được tuyên truyền, vận động cải tạo mảnh vườn trước nhà để trồng rau, chị Phượng Mùi Mới, thôn Minh Tiến, xã Xuân Minh vừa có rau sạch cải thiện bữa ăn, vừa bán tại chợ kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Chị Mới phấn khởi chia sẻ: “Trên sườn đất dốc bỏ trống, giờ đây các loại rau như: Mùng Tơi, bí, mướp, rau muống... vươn lên xanh tốt, cứ vài ngày tôi lại được thu hoạch. Rau sạch rất dễ bán, không đủ cung cấp cho thị trường. Cùng với số vốn 30 triệu đồng được vay để CTVT, tôi còn trồng thêm một số cây ăn quả, mua giống chăn nuôi gà, dê, lợn. Nhờ có khoản thu nhập đều đặn trên, kinh tế của gia đình tôi cũng khấm khá hơn. Tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất, duy trì, nhân rộng và học cách trồng rau bài bản để sớm vươn lên thoát nghèo”.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ trên vùng đất màu mỡ, bằng phẳng, xã Vĩ Thượng đã tổ chức tuyên truyền, xây dựng thôn kiểu mẫu, vườn mẫu, tạo động lực thúc đẩy người dân CTVT. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư trồng những cây, con có giá trị theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Có thể nói, phong trào CTVT là hướng đi đúng đang được người dân trong xã tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Trong đó, thôn Yên Thượng trở thành điểm của huyện và thôn Trung Thành là điểm của xã về CTVT, xây dựng nhiều mô hình mẫu chất lượng cao.
Ông Bùi Văn Thoại, hộ cận nghèo thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng cho hay: “Năm 2021, sau khi được giải ngân nguồn vốn vay 30 triệu đồng, tôi đã quy hoạch lại khuôn viên mảnh vườn của mình để nuôi lợn, trồng rau và chăm sóc cây thanh long. Riêng cây thanh long hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc chu đáo nên phát triển tốt, cho quả to, đều đẹp, dễ tiêu thụ. Tính cả thu nhập từ vườn thanh long và xuất bán đàn lợn là 36 triệu đồng. Chương trình CTVT không chỉ tạo bước chuyển biến về tư duy sản xuất, mà còn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ”.
Trong gần 2 năm qua, chương trình CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân. Với quan điểm làm đến đâu chắc đến đó, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 110 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện CTVT, diện tích cải tạo đạt 40,5 ha. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được những “quả ngọt” từ những mảnh vườn và bước đầu thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Với chủ trương, chính sách hợp lòng dân, huyện tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, duy trì các hộ đã được giải ngân vay vốn để hướng dẫn người dân hoàn thành các nội dung cải tạo theo tiêu chí đã ban hành, đảm bảo các yếu tố về kinh tế, môi trường, văn hóa. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng vườn hộ để nhân rộng chương trình CTVT, kiến thiết, xây dựng mỗi xã, thị trấn một thôn kiểu mẫu về CTVT, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, thế mạnh của địa phương”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc