PHÒNG PHÓNG VIÊN

Xứng danh “Sư đoàn thép”

12:23, 10/09/2014

HGĐT- “Sư đoàn thép, phòng chủ lực hay phòng xương sống...” - đó là những cái tên được nhiều người đặt cho phòng Phóng viên của Báo Hà Giang trong nhiều năm qua. Có thể nói, phòng Phóng viên là phòng nghiệp vụ chính của Báo Hà Giang, hoạt động chuyên môn có tính cơ động cao. Hoạt động của phóng viên mang tính đặc thù rõ rệt, thời gian tác nghiệp độc lập tại cơ sở nhiều. Chính vì vậy tính tự giác, tự chủ, khả năng phát hiện xử lý thông tin của phóng viên và khả năng nắm bắt định hướng chỉ đạo, nắm bắt thông tin, điều hành hợp lý của cán bộ quản lý là yếu tố quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ được giao chủ yếu của phòng là quản lý, chỉ đạo, điều hành, phân công phóng viên thực hiện chỉ tiêu tin, bài, ảnh theo kế hoạch, định hướng hàng tháng và kế hoạch đột xuất của Ban Biên tập, đồng thời phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở, những vấn đề mới, bức xúc... giúp cho Ban Biên tập xây dựng kế hoạch tuyên truyền hiệu quả. Ngoài ra, phòng Phóng viên còn có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ khác trong cơ quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.



                          Ban Biên tập với tập thể Phòng Phóng viên.


Là một trong những phòng chủ lực của Toà soạn, do vậy nhiều lớp phóng viên trưởng thành đã trở thành trụ cột, “xương sống” của Toà soạn trong suốt quá trình lịch sử 50 năm qua. Ngay từ ngày đầu thành lập Báo Hà Giang, phòng Phóng viên đã trở thành một trong những phòng làm nội dung quan trọng nhất của Toà soạn. Từ những số báo đầu tiên, tin tức, sự kiện quan trọng đã được thông tin kịp thời tới đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh... Cũng như mọi tờ báo, phóng viên là “linh hồn” của Toà soạn, do vậy mọi ấn phẩm của Toà soạn qua các thời kỳ, tên tuổi những phóng viên theo những dòng tin tức, những tờ báo dần trở nên quen thuộc với bạn đọc trong tỉnh. Nhớ lại thời điểm làm báo thời kỳ bao cấp hay chiến tranh biên giới, nhiều lớp phóng viên đã không quản ngại khó khăn để có được những tác phẩm báo chí hay, lôi cuốn độc giả. Lên vùng cao, xuống vùng thấp, lặn lội xuôi ngược các huyện để có những tin, bài hay, những bức ảnh đẹp, tạo được dư luận tốt trong nhân dân. Ví dụ như các anh: Toán Văn Báo, Nguyễn Lục, Trung Thanh, Xuân Bặc, Gia Trung, Đức Trọng, Cao Sơn... Gần hơn là các đồng chí: Nguyễn Văn Yêu, Ma Xuân Quang, Nguyễn Đình Lục, Nguyễn Đức Tằng, Dương Trung Thanh, Nguyễn Chính, Đỗ Hùng, Trọng Hùng, Việt Đức, Vương Văn Phát, Hoàng Kiệm, Đặng Quang Vượng, Sùng Mí Chứ, Lại Cao Khải... Anh chị em phóng viên ý thức được rằng mọi người làm báo phải luôn có tính năng động, sáng tạo trong nghề nghiệp và sau này lớp phóng viên như Trần Bé, Quốc Trí, Phương Hoa, Trung Thu, Hiến Chương, Phan Hùng, Đức Dũng... đã khẳng định được điều này. Có thể nói trong chặng đường 50 năm qua, nhiều tên tuổi phóng viên từng trưởng thành đi lên đảm nhiệm những trọng trách của Toà soạn, như các đồng chí Đặng Quang Vượng và Sùng Mí Chứ hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Hà Giang. Nhiều phóng viên khác chuyển công tác cũng đảm nhiệm những vị trí quan trọng thuộc các cơ quan trong tỉnh hoặc các tờ báo khác như: Nguyễn Trần Bé, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Đỗ Bích Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh; Đào Minh Tâm, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hà Giang... Ngày nay, cùng với sự phát triển trong xu thế hội nhập, số lượng phóng viên trẻ ngày càng tăng lên (hiện tại phòng có tổng số 24 cán bộ phóng viên, trong đó có 12 phóng viên trong biên chế và 12 phóng viên hợp đồng), dần chuyên môn hóa về nghiệp vụ. Nhiều nhóm phóng viên được thành lập mới, theo hướng chuyên sâu về lĩnh vực theo dõi, để phản ánh sâu rộng hơn về mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là lớp phóng viên năng động, xông xáo, thể hiện bản lĩnh xung kích trên mặt trận tư tưởng, biểu dương khen ngợi cái tốt, phê phán những mặt trái của xã hội, tạo lòng tin trong nhân dân. Đối với nhiều địa phương, con người cũng như tên tuổi của nhiều phóng viên đã rất đỗi gần gũi, thân thuộc.


Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Biên tập cũng như triển khai nhiệm vụ chính trị của cơ quan, những năm qua, phòng Phóng viên đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cơ quan cũng như BBT giao phó; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã đề ra; lãnh đạo đội ngũ phóng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn góp phần đưa nội dung của tờ báo Đảng bộ tỉnh ngày càng phong phú, nâng cao về chất lượng tin, bài, ảnh; phản ánh sâu sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến tận cơ sở và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí phóng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, bám sát định hướng tuyên truyền, không để xảy ra những sai sót lớn trên mặt báo. Đội ngũ phóng viên trong diện hợp đồng đều có sự cố gắng cao, đóng góp tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ của phòng nói riêng và của cơ quan nói chung. Mỗi phóng viên đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao, có tác phong, lối sống sinh hoạt tích cực, thể hiện sự đoàn kết và có tính xây dựng cao. Cụ thể, Phòng đã chủ động bám sát kế hoạch tuyên truyền hàng tháng của Ban Biên tập, bám sát vào nhiệm vụ chính trị từng thời điểm, từng thời kỳ của Đảng bộ tỉnh; cập nhật kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật của Trung ương, của tỉnh để chuyển tải về cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra. Tích cực phát hiện những cá nhân, điển hình tiên tiến để phổ biến nhân ra diện rộng. Cán bộ, phóng viên của phòng đã thường xuyên bám sát cơ sở, bám sát các hoạt động của đời sống xã hội trong các cụm dân cư, thôn, bản để phản ánh hơi thở cuộc sống sinh động gắn với các nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cũng đã mạnh dạn thâm nhập thực tế, điều tra, phản ánh những vấn đề bức xúc trong nhân dân, những biểu hiện sai trái trong quản lý lãnh đạo về kinh tế, lãng phí, tiêu cực để các đơn vị, cơ sở rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác quản lý có hiệu quả.


Để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, phòng Phóng viên đã triển khai tốt công tác phóng viên phụ trách địa bàn trong nhiều năm qua. Mỗi huyện, thành phố có 1 phóng viên trong biên chế được phân công phụ trách và 1 phóng viên hợp đồng cùng hỗ trợ. Nhờ vậy đã tạo điều kiện cho phóng viên đi sâu, đi sát ở cơ sở, nắm bắt kịp thời đầy đủ những thông tin ở cơ sở để tuyên truyền trên diện rộng, từ đó khắc phục tình trạng thiếu tin, bài, ảnh cục bộ. Thông qua việc phụ trách địa bàn, phóng viên đã gắn kết với cơ sở, nắm bắt chặt chẽ những thông tin ở địa phương, từng vùng để tham mưu cho Ban Biên tập xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng sâu sát hơn. Việc nhóm phóng viên phụ trách khu vực bước đầu đã phát huy hiệu quả; phóng viên nắm bắt địa bàn được rộng hơn, hạn chế sự nhàm chán, thiếu sáng tạo trong khai thác thông tin, tránh được tình trạng viết theo lối mòn, mở rộng mối quan hệ không những ở địa bàn mình phụ trách mà còn có mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền các địa bàn khác... Theo thống kê, mỗi năm tập thể phòng thực hiện từ 4000 - 5000 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên mặt báo; tính bình quân khoảng 30 tin, bài, ảnh/1 phóng viên/tháng, so với chỉ tiêu vượt trên 300%; số lượng tin, bài, ảnh có chất lượng ngày một cao thể hiện qua nhiều tác phẩm được Ban Biên tập xét thưởng hàng tháng (mỗi năm có khoảng 300 tin, bài, ảnh được thưởng). Đặc biệt, vài năm trở lại đây, do có sự đổi mới linh hoạt từ khâu quản lý đến bộ phận trực tiếp tác nghiệp tại cơ sở nên lượng tin, bài viết ở cơ sở tăng đột biến, có tính phát hiện cao; nội dung, hình thức của tờ báo được cải thiện rõ nét. Những phóng viên nổi bật của phòng là: Huy Toán (trên 400 tin, bài, ảnh/năm), Phi Anh (trên 400 tin, bài, ảnh/năm), Biện Luân (trên 300 tin, bài, ảnh/năm), Thiên Thanh (trên 300 tin, bài, ảnh/năm), Khánh Toàn (trên 300 tin, bài, ảnh/năm)... Cụ thể, có nhiều bài viết chất lượng cao được Ban Biên tập xét thưởng hàng tháng; nhiều bài báo được quần chúng, độc giả quan tâm tìm đọc. Một số phóng viên được xét thưởng cao như: Phi Anh (trên 40 tin, bài, ảnh/năm), Huy Toán (trên 30 tin, bài, ảnh/năm), Biện Luân (trên 30 tin, bài, ảnh/năm), Thiên Thanh (trên 20 tin, bài, ảnh/năm), Khánh Toàn (trên 20 tin, bài, ảnh/năm)... Không những thế, số lượng tin, bài, ảnh của nhóm phóng viên nêu trên cũng luôn đứng ở vị trí cao nhất của phòng, cụ thể như có tháng phóng viên Huy Toán viết trên 40 tin, bài, ảnh; phóng viên Phi Anh thường xuyên duy trì số lượng tin, bài, ảnh ở mức trên dưới 30 tin, bài, ảnh/tháng...


Có thể khẳng định trong những năm qua, tập thể phòng Phóng viên luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đưa tờ báo của Đảng bộ tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh trong nhiều năm qua. Với những kết quả đạt được, trong nhiều năm liên tục phòng Phóng viên được UBND tỉnh tặng Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tặng Giấy khen cho phòng vì đã thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền giữa Báo Hà Giang và các đơn vị trên địa bàn..../.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 13.4.1964 về công tác của Báo Hà Giang và các bản tin của một số ngành trong tỉnh

Thi hành Nghị quyết số 60 ngày 8.12.1958 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết số 5 ngày 10.1.1961, Nghị quyết số 48 ngày 27.2.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định rằng:

10/09/2014
Cùng bạn đọc Báo Hà Giang điện tử
Báo Hà Giang điện tử chính thức khai trương và đi vào hoạt động 3/2/2007. Trong thời gian trên, do còn thiếu nhiều yếu tố để đảm bảo cho sự hoạt động ổn định nên các chuyên mục chưa nhiều, video clip chưa thật tốt, nội dung thông tin chưa phong phú, giao diện chưa thật hấp dẫn...
07/03/2008