Vài suy nghĩ về văn hóa chúc và mừng Tết
HGĐT- Đây là tập quán truyền thống mang đậm tính văn hóa của dân tộc Việt Nam, nó xây dựng, củng cố tình cảm gắn bó giữa những người thân thích, bạn bè, thầy cô, hàng xóm láng giềng v.v...
Tuy nhiên, cũng nên trao đổi đôi điều về nội dung lời chúc Tết, hình thức tổ chức đi chúc Tết và nhất là tiền mừng tuổi cho trẻ em của chủ và khách.
Về tổ chức đi chúc Tết, nên rủ nhau thành nhóm khoảng 5 – 7 người cùng đi, vừa đông vui, thể hiện sự đoàn kết, tiện cho chủ nhà hơn. Nhóm cùng đi nên cử nhóm trưởng thay mặt cả nhóm nói lời chúc Tết; tránh để từng người chúc, vừa trùng lặp, vừa tốn thời gian cho cả 2 bên chủ, khách.
Nội dung nên tập trung chúc sức khỏe, lao động, học tập, công tác tốt. Tránh chúc những điều thiếu văn hóa như chúc sinh được con trai, buôn bán một vốn, bốn lời v.v...
Nếu có trẻ em đi theo, bố mẹ giới thiệu quan hệ xã hội từng người với gia đình mình (là ông bà, chú bác v.v...), giới thiệu đến ai, cho trẻ nói lời chào theo cách xưng hô do người lớn hướng dẫn.
Thường lệ, sau khi chào hỏi, chúc nhau, chủ nhà mời khách uống nước, uống rượu, cắn hạt bí...
Tiếp theo, thường 2 bên mừng tuổi cho trẻ em của nhau, khi trẻ nhận tiền mừng tuổi, người lớn phải cho trẻ của mình nói lời “cháu xin”, việc này cần tế nhị, tránh để trẻ nghĩ rằng: Mục đích đi thăm, chúc Tết là để được tiền mừng; thậm chí trẻ so sánh, đánh giá ai cho nhiều tiền là tốt, ai mừng ít hơn là người kiệt xỉ (chính tác giả được nghe). Để tránh tình trạng xấu này, nên cho tiền mừng vào phong bì nhỏ (tự làm hay mua phong bì “lì xì” mầu đỏ ở chợ), để trẻ không thấy mệnh giá tiền mừng.
Khi đưa “lì xì” ta thường chúc cháungoan, nghe và làm theo lời bố mẹ, thầy cô giáo, phấn đấu đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, học sinh tiên tiến, giỏi. Người tiếp đưa “lì xì” chỉ nói lời “chúc như bác trước”, tránh lặp lại những lời như người trước, tốn thời gian của chủ và khách.
Việc quản lý, sử dụng tiền mừng cũng cần hướng dẫn trẻ chi vào việc có ích, tránh buông lỏng.
Nếu mừng tuổi cho người cao tuổi, nên chúc sức khỏe làm gương và bảo ban con cháu làm việc tốt, đánh giá tốt người cao tuổi: “Một người già, bằng 3 hàng dậu” v.v...
Về bảo vệ môi trường, khách không nên hút thuốc lá trong nhà chủ, không vứt bừa bãi giấy gói kẹo, vỏ hạt bí... ra nền nhà, sau mỗi đoàn đến rồi đi, chủ nhà bớt tốn công quét dọn, đồng thời có ý giáo dục trẻ em.
Nên tránh uống nhiều rượu, mỗi nhà 1, 2 chén đi chúc nhiều nhà sẽ say, khó an toàn giao thông, không gây tai nạn, thì cũng hại cho sức khỏe.
Xin nêu vài ý kiến để mọi người cùng suy nghĩ và sáng tạo thêm để ngày Tết vui tươi, lành mạnh hơn, có văn hóa hơn, sau Tết đi làm có năng suất hơn.
Ý kiến bạn đọc