Tưng bừng Tết sớm người Mông
HGĐT- Khi những cánh đào chớm nở, những hạt sương nặng trĩu nhành cây, cũng là thời điểm năm hết, tết đến, xuân về. Đồng bào Mông huyện Mèo Vạc lại cùng nhau xum vầy chào xuân mới trong sự chung vui của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Một trận chọi dê gay cấn, đầy hấp dẫn tại xóm Po Ma, xã Khau Vai thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ. |
Nhờ vậy mà tết này, bà con vui hơn, địa phương mừng hơn bởi các cấp lãnh đạo địa phương đã gần dân hơn, gắn bó với cơ sở nhiều hơn...
Nhờ Đảng Tết người Mông vui hơn:
Như nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc, năm nay, huyện Mèo Vạc tổ chức cho bà con người Mông đón Tết “điểm” tạicác xã Cán Chu Phìn, Khau Vai vàLũng Pù ăn Tết sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng (từ 23-29.12, tức 29.11 - 5.12 âm lịch). Theo quan niệm của bà con, sau một năm lao động sản xuất vất vả, ngày Tết là thời gian nghỉ ngơi, sửa sang nhà cửa, bàn thờ tổ tiên và là dịp để gặp gỡ bạn bè, người thân... Đây là cơ hội cho lớp trẻ giao lưu, trổ tài múa khèn, hát đối giao duyên, tìm hiểu nhau, để rồi sau Tết, nhiều chàng trai, cô gái đã nên duyên chồng vợ.
Hòa mình vào không khí đón Xuân với bà con, nhóm phóng viên chúng tôi ai nấy đều “chếnh choáng” bởi không chỉ hơi men, thức uống đặc sản, đã trở thành thương hiệu, đó là rượu ngô men lá, được ủ kỹ trong một thời gian dài; loại rượu được chưng cất từ giống ngô bản địa, được chính tay những người phụ nữ Mông trồng trọt và chăm sóc trên những nương ngô của gia đình; mà còn ấn tượng bởi tấm lòng, tình cảm của bà con; trong những ngày này, khi đến chơi nhà, ngồi vào mâm cơm rồi, thì không còn phân biệt chủ - khách mà chỉ còn anh, em - bạn, bè về vui Xuân với nhau...
Năm nay, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay, tình trạng hộ đói trong những ngày tháng giáp hạt đã giảm rất nhiều, hộ khá, giàu tăng đáng kể. Minh chứng cho điều đó chính làTết của gia đình ông Giàng Nỏ Sính, người Mông, xóm Sảng Trải A, xã Lũng Pù, ăn to hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Bữa cơm “tất niên” năm nay, nhà ông Sính mổ con lợn gần 1 tạ cùng rất nhiều ngan, gà, vịt... mà theo lời ông Sính nói: “Nhờ Đảng, chính quyền và cán bộ quan tâm nên Xuân này vui hơn nhiều, nhiều lắm... Đón Tết mà, nhà mình phải ăn to, mời bà con trong xóm tới cùng ăn, cùng vui để bước sang năm mới làm tốt hơn, sản xuất được nhiều hơn và nuôi con gì cũng béo, cũng nhớn nhanh hơn...”. Vào ngày Tết, trong mâm cơm của người Mông đặc biệt không có món rau. Vì, theo ông Giàng Nỏ Sính: “Cả năm đã vất vả với công việc làm nương rẫy, nên dân tộc mình quan niệm trong 3 ngày Tết không được ăn rau, nếu không cái đói cái nghèo sẽ theo họ từ năm cũ sang năm mới...”.
Niềm vui của thiếu nữ Mông, xóm Po Ma, xã Khau Vai trong ngày hội. |
Khi ý Đảng hợp lòng dân:
Rời Lũng Pù, chia tay bà con xóm Sảng Trải A, chúng tôi tìm vềKhau Vai; anh Lục Văn Chấn, Phó Bí thư xã đưa về xóm Po Ma đón Tết cùng bà con. Bất chấp màn sương lạnh giá, mưa mù, hàng chục trai tráng làm thịt con lợn nặng hơn 1,5 tạ ăn Tết. Quả thực, đến với xã và về với Po Ma, chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi sự đổi thay của người dân nơi đây. Hiện, toàn xã có gần 1.150 hộ, hơn 6.500 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm tỉ lệ hơn 94%, tương đương với hơn 6.000 khẩu và thời gian qua, người Mông xã Khau Vai đã, đang nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Chị Linh Thị Vị, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, vui vẻ khoe: “Xóm Po Ma hiện có hơn 500 nhân khẩu, gần 60 hộ nhưng đã có 2 hộ người Mông vươn lên thành hộ khá, giàu của xóm. Thế mạnh của xóm chính là phát triển chăn nuôi, nhờ vậy toàn xóm luôn giữ được tổng đàn bò gần 250 con. Cá biệt có nhiều hộ đang nuôi gần 20 con bò. Ngoài bò ra, bà con nuôi rất nhiều dê, ngựa, lợn, gà...”.Nếu quy đổi đàn gia súc của các hộ dân theo giá thị trường thì rất nhiều gia đình của Po Ma đã, đang sở hữu gia tài hàng trăm triệu đồng. Một gia tài không hề nhỏ đối với bà con các dân tộc Mèo Vạc.
Qua gặp gỡ với bà con, ai cũng hể hả: Lâu lắm rồi mới ăn Tết to như năm nay và chơi hội cũng vui hơn rất nhiều, bởi có sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhất là sự quan tâm của Bí thư Huyện ủy Sùng Minh Sính. Ông Sính quyết định dùng nguồn vốn chi thường xuyên của huyện hỗ trợ cho 3 xã: Cán Chu Phìn, Khau Vai và Lũng Pù, mỗi xã 8 triệu đồng để tổ chức Hội Xuân cho bà con. Nhờ đó mà Hội Xuân năm nay được tổ chức rất quy mô và hoành tráng với nhiều trò chơi dân gian, như: Tung còn, đẩy gậy, chọi gà, chọi chim Họa mi... Ngoài ra, Tết này huyện Mèo Vạc tổ chức cho bà con Hội thi chọi dê. Bí thư Huyện ủy Sùng Minh Sính cho biết: “Huyện tổ chức Hội chọi dê lần này, bà con rất phấn khởi. Vì con dê đã từ lâu gắn bó với người dân vùng cao, gia đình nào cũng có từ 4 - 6 con dê trở lên, nên sẽ rất nhiều hộ có thể đăng ký tham gia dự thi. Và, nhất là quy mô tổ chức hội thi gọn nhẹ hơn so với chọi bò; người dân vận chuyển dê chọi từ các xã xa nhất như: Sơn Vĩ, Xín Cái và Thượng Phùng về trung tâm huyện để chọi cũng đơn giản hơn. Cho nên, trong những đợt thi chọi tới, chắc chắn tỉ lệ bà con tham gia đông hơn rất nhiều... Mục tiêu của huyện đặt ra trong tương lai sẽ đưa chọi dê thành một trong những hoạt động thường xuyên, là “điểm nhấn” thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh về Mèo Vạc mỗi dịp Tết đến, Xuân về...”.
Qua chứng kiến 2 cuộc thi chọi dê tại xã Lũng Pù và xóm Po Ma (Khau Vai), chúng tôi nhận thấy: Năm nay, bà con đến hội rất đông, tham gia thi đấu trò chơi dân gian rất sôi nổi và nhất là khi Hội chọi dê bắt đầu đã thu hút rất đông người dân, các dân tộc khácxã đến xem, cổ vũ. Kết thúc giải chọi, con dê thắng cuộc, đạt giải Nhất được thưởng một chiếc tivi, trị giá gần 3 triệu đồng; giải Nhì: một chiếc đài cassette trị giá gần 1 triệu đồng và giải Ba 1 chiếc đài trị giá gần 500 ngàn đồng (xã Lũng Pù)... Với giá trị giải thưởng tuy chưa lớn nhưng cũng trị giá ngang bằng một con dê theo giá thị trường và khi kết thúc giải, rất nhiều bà con phải xuýt xoa, tiếc nuối khi không đăng ký tham gia. Anh Già Mí Say (xã Khau Vai)thốt lên: “Tiếc quá, tại lần đầu mình chưa biết như thế nào nên không mạnh dạn đăng ký thi chọi. Con dê đực nhà mình mà thi kiểu gì cũng “ăn” giải! Lần này về, mình sẽ chăm và huấn luyện con dê đầu đàn thật tốt để tới Tết Nguyên đán sẽ tham gia thi đấu tại huyện, kiếm cái tivi về cho vợ, con xem...”.
Được chứng kiến gần như trọn vẹn Tết sớm của người Mông, chúng tôi đã cảm nhận được, dù bao thăng trầm, biến đổi của cuộc sống nhưng bà con vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình: Như truyền thống trước khi ăn Tết thì việc đầu tiên cần làm cho năm mới làbà con thu dọn nông cụ, dán lên đó những lá bùa (giấy điều) như một sự biết ơn chúng đã giúp con người làm nên hạt lúa, củ khoai trong năm cũ. Qua đó, gửi gắm hy vọng mùa màng năm sau tốt đẹp hơn năm trước. Tục thắp hương mời tất cả những người đã mất, kể cả gia súc cùng về với gia đình ăn Tết.Chiều 30 Tết, mỗi nhà chuẩn bị một khay “mèn mén” cùng trứng gà, bấy nhiêu quả trứng tương ứng với ngần ấy người đã mất trong gia đình cùng gia súc để cúng ở cửa chính. Tối hôm Giao thừa, dù có bất cứ ai trong gia đình say rượu tới mức nào cũng không được ngủ, vì theo quan niệm của người Mông, ngủ trong đêm Giao thừa sang năm mới trồng trọt, chăn nuôi sẽ không tốt hay như cấm được huýt sáo mồm, vì sang năm mới sẽ có gió bão. Và nhất là trong ngày đầu năm, phụ nữ phải kiêng tới nhà người khác, nếu đến nhà người khác phải đi cửa sau; chỉ có đàn ông mới được “xông” nhà từ cửa chính. Rồi tới 5h sáng ngày mùng Một, chủ nhà bắt thịt một con gà trống thắp hương gia tiên và liên hoan. Sau đó, đi chơi hội. Cũng trong ngày Tết, người Mông rất thích có khách đến nhà chơi. Vì họ quan niệm càng nhiều khách đến thăm gia đình thì năm mới càng được nhiều may mắn và khi khách đến, đồng bào thường lấy thịt lợn, thịt bò treo gác bếp để thết đãi khách. Tục này ngụ ý chủ nhà tự hào vì chăn nuôi, trồng cấy giỏi nên lương thực nhiều, qua đó còn thể hiện sự mến khách của gia chủ, tạo nên sự gắn kết cộng đồng bền vững.
Tết sớm của người Mông tại một số xã của Mèo Vạc khẳng định chính quyền địa phương có những chính sách đúng đắn, kịp thời,đem đến cho bà con người Mông một cái Tết thật sự ý nghĩa, giúp cho không chỉ người Mông mà tất cả các dân tộc đang sinh sống nơi “vùng đất khó” thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước qua phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo bền vững... Hoạt động này chính là một nguồn động lực lớn lao giúp bà con hăng say lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nguồn nội lực của mình; tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Ý kiến bạn đọc