Ông “bảy nhà vác tù và hàng tổng”
HGĐT- Tôi biết ông vào những năm đầu tái lập tỉnh. Thời gian trôi đi và bây giờ thì tôi biết ông với một con người có nhiều “nhà” nhất trong những người nhiều nhà. Nào là nhà nhiếp ảnh, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà giáo, nhà quản lý và cả nhà Hà Giang học nữa...
Điều đặc biệt làm cho ông nổi tiếng hơn cả, đấy là “nhà vác tù và hàng tổng”, một con người bảy mươi tuổi đời, hơn bốn mươi hai năm công tác, gần ba mươi năm tuổi Đảng mà không khi nào ông muốn ngơi nghỉ. Khi nào điện cũng nhận được câu trả lời: “Tớ bận một chút, đang sinh hoạt với câu lạc bộ, tớ đang sinh hoạt chi bộ, tớ đang làm việc ở Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, tớ đang dự hội nghị ở Vũng Tàu...”.
Đã nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng xem ra ông chẳng nghỉ ngày nào. Kể cũng lạ, nghỉ hưu rồi mà ông đang là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, ủy viên BCH Hội VHNT tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học thành phố Hà Giang, Bí thư chi bộ... Thật là một sức lực và trí tuệ làm việc tới kỳ diệu, khó có ai tin một con người “côm đam” đến như thế mà lại không “rặm bụng”. Ông vẫn vác máy ảnh đi khắp nẻo đường đất nước, từ Hà Giang vào Cà Mau, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Đắk Lắk... để cho ra những bức ảnh để đời. Ông vẫn có những tác phẩm mà không dễ gì ai có thể viết được và vẫn có những bài văn khúc triết đến nghiệt ngã. Vậy mà nghe đâu dạo này ông còn đang viết đề tài về văn hoá cho tỉnh Hà Giang để đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
Nhưng tôi cũng gặp ông ở những quán cà phê đàm đạo với bạn bè, gặp ông ở quán ăn sáng với hàng xóm và hầu như không bỏ một đám hiếu, hỉ nào khi được mời. Chẳng biết chia thế nào cho phải, một năm ông cũng vẫn chỉ có 365 ngày, cũng chỉ có khoảng thời gian như mọi người.
Năm 1961, mới tròn 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Hữu Ninh ôm cây đàn ghi ta về trường cấp 2 Liên Hiệp, đây là xã nằm trong vùng “rốn” cách mạng. Đã có lần ông nói như hối tiếc: “Này, thế mà tớ xuýt chết vì cái “ga lăng” của cây đàn thời ấy đấy, cái thời mà “nam nữ thụ thụ bất thân”, thấy mình đàn, thấy mình hát, học sinh nữ ngồi xán lại nghe, lại xem, rồi nhờ thầy dạy. Thế là họ chụp cho tớ cái mũ “yêu học sinh”, mà ngày ấy cái “đạo thầy trò” họ nhìn nhận khắt khe lắm... Nhưng tớ không nản, vẫn vươn lên, vượt mọi trở ngại để làm việc và vẫn hát, vẫn đánh đàn và cũng là điểm khởi đầu, là sự kích thích cho mình sáng tác thơ và ca khúc đầu tiên đấy. Là giáo viên dạy toán, nhưng lại yêu văn học đến cháy lòng, còn cái “anh nghệ sĩ nhiếp ảnh” hay “nhiếp ảnh gia” mãi sau này mình mới đam mê, khi nào có dịp mình kể cậu nghe.
Rồi 8 năm ông chuyển ra trường thanh niên dân tộc Hùng An là 8 năm ông được đi nhiều nhất, bởi ngày ấy có được một học sinh tới trường là một kỳ tích. Thế là cứ ba tháng hè là ba tháng giáo viên trường lại lặn lội xuống từng thôn bản trong tỉnh gọi là “đi tuyển sinh” nhưng thực chất là đi “dỗ” các em đến trường. Càng đi nhiều, đến mọi vùng trong tỉnh Hà Giang ông càng thấm thía cái nghèo, cái đói, cái thiếu chữ của một vùng cao đầy khó khăn, hiểm trở. Chắc cũng từ những suy tư ấy để ông không ngừng cống hiến sức lực, trí tuệ trong thơ, trong nhiếp ảnh, trong mỗi ca khúc và những việc làm cụ thể, mỗi công việc, chức vụ ông đảm trách.
Từ một thầy giáo trường làng, lên Hiệu trưởng, rồi lên văn phòng UBND huyện, lên Văn phòng UBND tỉnh, sang làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đến khi về hưu ông vẫn có một niềm đam mê cháy bỏng là còn sức khoẻ, còn trí tuệ thì vẫn làm những việc có thể đóng góp cho xã hội.
Để rồi thơ ông viết:
“... Các em hỏi vì sao cô lại là cô giáo
Nghề bình thường không vang
những chiến công
Không nổi danh như diễn viên, ca sĩ
Không giàu sang như giám đốc
công trường...”
Rồi ông cũng yêu vùng đất, vùng
người đến khó tả:
“... Bòng bong gỡ mối
Chín khoanh
Ngựa hồng gõ móng
loanh quoanh cổng trời...”
Cứ thế, Nguyễn Hữu Ninh tự quên đi những mùa xuân của riêng mình mà làm việc, mà cống hiến cho vùng đất, vùng người trên Cao nguyên cực Bắc. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh, về thơ, ông cũng là người đi tiên phong trong xã hội hoá để hoạt động văn học nghệ thuật và những công tác hội, đoàn thể khác. Năm 2010, ông đã có một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại Hà Nội để quyên góp, rồi bán ảnh lấy kinh phí ủng hộ trường nghèo, học sinh nghèo vùng đá.
Nguyễn Hữu Ninh, “ông bảy nhà vác tù và hàng tổng”, năm nay bước vào tuổi 69, hiện đang sinh sống tại phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, đây là quê hương thứ hai của ông, còn quê ông ở Cộng Hoà, Yên Hưng, Quảng Ninh. Một con người gắn với công việc, hay công việc gắn với con người khi tôi nghe vợ ông cằn nhằn và gọi ông là: “Ông Vô Tư”... có chăng là như thế.
Ý kiến bạn đọc