Giải thưởng tôn vinh những giá trị đích thực
08:46, 16/08/2011
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa, vào đúng dịp Quốc khánh 2/9, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2011, sẽ chính thức được công bố.
Đây là giải thưởng danh giá nhất, được xét tặng 5 năm 1 lần, nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn, có đóng góp lớn cho văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhiều tuần qua, đây cũng là đề tài gây xôn xao trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giới văn nghệ sĩ và cả công chúng yêu văn học nghệ thuật.
Trong bản danh sách ở lĩnh vực âm nhạc được Bộ VH-TT&DL đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay không có tên nhạc sĩ Phạm Tuyên khiến nhiều người vô cùng bất ngờ.
Nửa năm trước đây, Hội Âm nhạc Hà Nội khi ấy đã làm một việc chưa từng có tiền lệ khi gửi công văn đến Bộ VH-TT&DL, Hội nhạc sĩ Việt Nam đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Công văn này nêu rõ: “Phạm Tuyên là nhạc sĩ của mọi nhà. Hơn nửa thế kỷ qua, gần 700 ca khúc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết trong các thời điểm lịch sử với những nội dung cho các đối tượng: Nông dân, công nhân, bộ đội, trí thức, thanh niên xung phong và cho cả trẻ em. Có thể nói, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng nhớ, cũng hát, ít ra là một vài câu hát, một vài bài hát của nhạc sĩ… Xuất phát từ những căn nguyên quý báu đó, Hội Âm nhạc Hà Nội trân trọng đề nghị Hội đồng đặc cách tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên trong dịp này”.
Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng: “Các Hội đồng không quan tâm hoặc quên đi mặc dù đề nghị của Hội Âm nhạc HN như vậy. Rõ ràng đây là một sự thiệt thòi với nhạc sĩ Phạm Tuyên, một nhạc sĩ cao tuổi mà cho đến giờ vẫn chưa được giải thưởng Hồ Chí Minh mà theo chúng tôi nghĩ là rất xứng đáng”.
Theo ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL): “Một công văn của một Hội nhạc sĩ thì không phải là hồ sơ của một Hội đồng và chúng tôi đã đề nghị Hội Nhạc sĩ Hà Nội thông báo cho nhạc sĩ Phạm Tuyên biết quy trình, thủ tục xét tặng là qua 3 cấp Hội đồng như vậy. Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, Hội Âm nhạc Hà Nội đã gửi một công văn và nghĩ rằng, công văn đó sẽ được đưa thẳng vào Hội đồng cấp Nhà nước”.
Tuy nhiên, Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết, đến ngày 12/8, sau gần 6 tháng gửi công văn, Hội vẫn chưa nhận được bất cứ một phản hồi chính thức nào từ phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ VH-TT&DL. Trong khi, danh sách để cử Giải thưởng Hồ Chí Minh thì đã được Hội đồng cấp Bộ gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước trước đó ít ngày.
Như vậy, người nhạc sĩ của “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”, và hàng trăm ca khúc để đời cho thiếu nhi, sẽ phải chờ thêm 5 năm nữa, khi ông bước sang tuổi 88 để đến được với Giải thưởng Hồ Chí Minh!
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Các anh ấy cho tôi biết là cũng không có hồi âm gì thì tôi bảo, nếu cần bổ sung tư liệu cần thiết thì tôi sẵn sàng, nhưng để mà cầu xin và làm đơn xin thì tôi không làm chuyện đấy đâu. Riêng đối với tôi thì tôi nghĩ phần thưởng lớn nhất là có được chỗ đứng trong ký ức và tình cảm của công chúng, vì không có gì quý bằng là tác phẩm của mình đem lại niềm vui và sự động viên cho mọi người”.
Một vụ việc khác cũng được quan tâm không kém là cách đây 1 tháng, 5 nhạc sỹ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng cấp Bộ với lí do nhiều người trong danh sách đề cử xét tặng giải thưởng của Hội đồng cấp cơ sở (tức Hội Nhạc sĩ VN) không xứng đáng. Sau đó, Hội Nhạc sĩ đã gửi danh sách bổ sung lần hai thì lại có tên nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê - hai trong số 5 người khiếu nại. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây là việc “xét vớt”, “sửa sai” hay tránh bị kiện tụng của Hội Nhạc sĩ VN?
Nhạc sỹ Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã phải xét lại một lần nữa việc này, vẫn cụm đó nhưng không đủ 75%. Các bác đó vẫn chưa đồng ý, và tiếp tục đề xuất thêm ý kiến. Thế và bây giờ để tạo điều kiện và để bảo vệ quyền lợi cho những nhạc sĩ đó thì Bộ đã chỉ đạo và hướng dẫn chúng tôi một cách thức nữa là ta tách ra từng tác phẩm rời trong đó có 2 nhạc sĩ thì cụ thể là nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và nhạc sĩ Ngọc Khuê được 3 tác phẩm có thể xây dựng thành một cụm và chúng tôi cũng đủ tiêu chuẩn để gửi lên hội đồng cấp trên. Đó chính là điều để nhạc sĩ Đinh Quang Hợp và Ngọc Khuê có tên trong kết quả vừa rồi.
Ở lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Thước vấp phải sự khiếu nại của 2 nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú với cụm tác phẩm xin xét tặng giải thưởng Nhà nước. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải cho biết, thực tế là nhà biên kịch có quyền gửi tác phẩm xin giải thưởng qua Hội Nhà văn, nhưng xét cống hiến của 2 tác giả này trong cụm tác phẩm thì đạo diễn Nguyễn Thước cần phải có sự đồng thuận của các nhà biên kịch.
Cuộc họp báo của Bộ VH-TT&DL được ví như “cơn mưa giải hạn thông tin” cho các phóng viên sau những khiếu nại, thắc mắc, bất bình của một số nghệ sĩ trên mặt báo trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra là cả công chúng lẫn các văn nghệ sĩ đều chưa được tiếp cận một cách đầy đủ thông tin và quy chế giải thưởng.
Ông Nguyễn Hải Anh, Vụ Trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng-Bộ VH-TTDL: "Chúng tôi sẽ lập một trang web để cập nhật thông tin xét giải, quy chế để mọi tác giả có thể có được thông tin, tránh hiểu nhầm đáng tiếc hoặc thiếu thông tin xảy ra".
Theo quy chế, tiêu chí xét tặng giải thưởng Nhà nước là các tác phẩm văn học nghệ thuật vừa phải có giá trị tư tưởng nghệ thuật lớn, đóng góp vào nền văn hóa dân tộc, vừa có sức lan tỏa trong công chúng. Đây là yêu cầu không dễ vượt qua, nhất là với nghệ thuật truyền thống hay khí nhạc vốn không có lượng công chúng đông đảo như nhạc sĩ sáng tác.
TS.Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn Nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương: “Có những tác phẩm đi cùng năm tháng, có thể nói có đời sống riêng, gần gũi với mọi người, nhưng có những tác phẩm như khí nhạc là vô cùng khó khăn. Cho nên trong việc xét của năm 2011 từ Hội đồng cấp cơ sở đến Bộ là có nhiều cố gắng”.
Trước những sự việc khá lộn xộn ở Hội đồng cấp cơ sở Hội Nhạc sĩ VN, một câu hỏi được đặt ra: Nên chăng cần một cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình xét tặng giải thưởng danh giá như vậy.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật, Báo Đại Đoàn Kết: “Nhiều người đặt câu hỏi, việc tôn vinh những tài năng những giá trị đã thực sự đúng với ý nghĩa “tôn vinh” chưa khi mà các nghệ sĩ vẫn phải viết đơn xin được xét tặng giải thưởng”.
Những bài thơ tuyệt đẹp của Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, những cuốn tiểu thuyết để đời của Nam Cao, Nguyên Hồng, Ma Văn Kháng… Những bài ca đi cùng năm tháng của Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn… Tranh của những danh họa Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái… hay những thước phim làm lay động lòng người của Hồng Sến, Trần Vũ…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh từ những đợt xét tặng đầu tiên ấy vẫn sống mãi trong tâm khảm nhiều thế công chúng bởi những giá trị nghệ thuật đỉnh cao mà gần gũi.
Ý kiến bạn đọc